Các phiên họp của LHQ không đạt được tiến triển trong vấn đề viện trợ Syria

Ngày 3/1, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã tổ chức các phiên họp về cuộc khủng hoảng nhân đạo xảy ra tại tỉnh Idlib bất ổn ở Syria trong bối cảnh có nhiều lời kêu gọi tiếp tục cho phép viện trợ khẩn cấp qua biên giới.

Chú thích ảnh
Người tị nạn Syria tại thị trấn Dana, đông bắc Syria ngày 23/12/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Hàng viện trợ nhân đạo đang được đưa vào khu vực Tây Bắc Syria, thành trì cuối cùng của phiến quân, thông qua các chốt kiểm soát của LHQ tại Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq, mà không được Damascus cấp phép chính thức. Tuy nhiên, biện pháp này dự kiến sẽ hết hiệu lực ngày 10/1 tới. Do đó, các bên chỉ còn 1 tuần để tìm ra giải pháp. Các nguồn tin ngoại giao cho biết hiện các cuộc họp vẫn chưa được tiến triển nào.

Trong phiên họp kín đầu tiên do Anh, Pháp đề xuất, các phái đoàn của HĐBA đã nghe báo cáo tình hình của Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách các vấn đề chính trị Rosemary DiCarlo và Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách các vấn đề nhân đạo và điều phối cứu trợ khẩn cấp Mark Lowcock. Tuy nhiên, kết thúc cuộc họp, các bên đã không đưa ra được tuyên bố nào.

Trong khi đó, hai phiên họp kín khác được tổ chức để thảo luận về vấn đề viện trợ. Phiên họp thứ nhất có sự tham gia của 5 ủy viên thường trực trong HĐBA gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc. Phiên họp thứ hai có sự tham gia của 10 ủy viên không thường trực HĐBA, trong đó tất cả đều ủng hộ việc duy trì viện trợ qua biên giới mà không cần sự chấp thuận của Chính phủ Syria.

Theo thống kê của LHQ, ước tính có 3 triệu người tại khu vực Idlib được hưởng lợi từ viện trợ. Trong khi phía Syria khẳng định chỉ có khoảng 800.000 người tại đây cần viện trợ. Đại sứ LHQ tại Syria Bashar Jaafari khẳng định hiện chưa có lý do phù hợp nào cho việc viện trợ nhân đạo qua biên giới, nhấn mạnh tất cả mọi viện trợ phải có sự chấp thuận của Damascus. Về tình hình Idlib, ông nhấn mạnh Chính phủ Syria quyết tâm không từ bỏ quyền và nghĩa vụ với tư cách là một nhà nước có chủ quyền nhằm xóa bỏ thành trì cuối cùng của chủ nghĩa khủng bố.

Lực lượng Hayat Tahrir al-Sham (HTS), còn được gọi là Al-Qaeda tại Syria, hiện đang kiểm soát nhiều khu vực tại tỉnh Idlib. Kể từ ngày 16/12/2019, các lực lượng chính phủ Syria đã mở lại chiến dịch quy mô lớn vào vùng nông thôn Đông Nam tỉnh Idlib sau nhiều tháng quân nổi dậy liên tiếp đẩy lùi những mũi tiến công của quân đội chính phủ. Cho đến nay, quân đội Syria đã giải phóng 25 thị trấn và nhiều làng mạc thuộc tỉnh Idlib. Tháng trước, HĐBA cũng đã triệu tập cuộc họp, trong đó thảo luận về việc gia hạn viện trợ thêm 1 năm qua 4 chốt ở biên giới, với 2 chốt ở Thổ Nhĩ Kỳ và 2 chốt còn lại lần lượt ở Jordan và Iraq. Tuy nhiên, nghị quyết này đã không nhận được sự ủng hộ của Nga và Trung Quốc.

Idlib hiện là nơi trú ngụ của 3 triệu người, trong đó có nhiều người từ khắp các địa phương của Syria tới đây lánh nạn do bạo lực kéo dài nhiều năm qua ở đất nước này. Theo Tổ chức Giám sát nhân quyền tại Syria (SOHR) có trụ sở tại London, từ giữa tháng 12 đến nay, các cuộc không kích và tấn công tại đạn pháo tại tỉnh này đã khiến gần 80 dân thường thiệt mạng và ước tính có hơn 40.000 người sơ tán lánh nạn trong vài tuần gần đây.

Đặng Ánh (TTXVN)
Mỹ viện trợ quân sự 300 trăm triệu USD cho Ukraine
Mỹ viện trợ quân sự 300 trăm triệu USD cho Ukraine

Trong Đạo luật Chi tiêu quốc phòng tài khóa 2020 (NDAA), Mỹ sẽ dành khoản viện trợ quân sự trị giá 300 triệu USD cho Ukraine.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN