Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, mô hình dịch bệnh mới nhất của Ban cố vấn trên cho thấy, nếu không áp dụng các biện pháp "ngắt mạch" để giảm khoảng 50% các mối liên hệ xã hội, chỉ riêng chiến dịch tiêm mũi tăng cường sẽ không "đủ sức" để ngăn số ca nhiễm mới vọt lên 6.000 đến hơn 10.000 ca mỗi ngày vào cuối năm 2021. Cũng theo mô hình này, các biện pháp "ngắt mạch", song hành cùng chiến dịch tiêm mũi tăng cường (khoảng 250.000 đến 350.000 mũi tiêm tăng cường mỗi ngày), có thể giữ cho số ca nhiễm mới dưới 5.000 ca/ngày. Kỷ lục về số ca nhiễm mới nhất từng được ghi nhận ở Ontario trong đại dịch là 4.812 ca vào ngày 16/4, trong thời kỳ cao điểm của làn sóng thứ ba.
Adalsteinn Brown, đồng Chủ tịch của Ban cố vấn, nhấn mạnh các biện pháp "ngắt mạch"không phải là một lệnh phong tỏa, cũng không phải là lệnh yêu cầu người dân ở tại nhà, mà liên quan đến việc giảm các mối liên hệ, chẳng hạn như hạn chế công suất hơn nữa đối với các cơ sở kinh doanh ở không gian trong nhà và thực thi tốt hơn các quy tắc về khẩu trang.
Theo mô hình dịch bệnh trên, nếu không áp dụng các biện pháp bổ sung, số bệnh nhân mắc COVID-19 phải vào ICU (cơ sở điều trị tích cực) có thể lên tới 600 người vào Năm mới. Tại Ontario, tính đến tối ngày 15/12, đã có 328 người mắc COVID-19 phải nhập viện điều trị, tăng từ 309 người vào cùng thời điểm này tuần trước. Kevin Smith, Giám đốc điều hành University Health Network (tổ chức nghiên cứu y tế lớn nhất tại Canada) dự báo số ca mắc Omicron ở Ontario dự kiến sẽ tăng gấp đôi sau mỗi hai đến ba ngày.
Theo thông báo của Ontario, bất kỳ ai từ 18 tuổi trở lên đã tiêm liều thứ hai cách đây hơn ba tháng, đều có thể đặt lịch hẹn tiêm nhắc lại mũi tăng cường. Ông Brown tiếp tục khuyến nghị người dân Ontario nên tiêm mũi tăng cường càng sớm càng tốt, đeo khẩu trang chất lượng cao nhất mà họ có thể tìm thấy và tránh nơi đông đúc ở không gian trong nhà.
Tỉnh Ontario ngày 16/12 báo cáo 2.421 ca nhiễm COVID-19 mới, mức cao nhất/ngày trong 7 tháng qua và tăng 88% so với một tuần trước.