COVID-19 tại ASEAN hết 16/12: Omicron xuất hiện ở Indonesia; Malaysia cấm lễ đón Năm Mới đông người

Theo trang thống kê worldometers.info, trong ngày 16/12, các quốc gia thành viên ASEAN ghi nhận 25.563 ca mắc COVID-19 và 373 ca tử vong. Tổng số người mắc bệnh tại ASEAN từ đầu dịch đã là 14.507.657 ca, trong đó 298.967 người tử vong.

Chú thích ảnh
Một điểm tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan. Ảnh: THX/TTXVN

Trong ngày 16/12, Việt Nam có số ca mắc mới cao nhất với 15.270 ca. Ngoài ra, Việt Nam còn có thêm 18.792 ca do tỉnh Tây Ninh đăng ký bổ sung.

Tại Malaysia, nước này có thêm 3.900 ca mắc mới, đứng thứ hai ASEAN trong trong 24 giờ qua. Tới nay, Malaysia đã ghi nhận tổng cộng 2.703.140 ca mắc COVID-19. 

Thái Lan có số ca mắc mới cao thứ ba ASEAN. Thái Lan ghi nhận 3.684 ca mắc mới, nâng tổng số ca từ đầu dịch lên 2.181.960 ca. 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine COVID-19 cho học sinh tại Marikina, Philippines, ngày 29/11/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Lào ghi nhận 1.493 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc từ đầu đại dịch lên 94.554 ca mắc. 

Tiếp đó là Singapore với 474 ca mắc mới; Philippines với 289 ca mắc mới; Myanmar với 229 ca mắc mới; Indonesia với 213 ca mắc mới; Campuchia với 7 ca mắc mới và Brunei với 4 ca mắc mới.

Về số ca tử vong, đa số quốc gia ASEAN đều ghi nhận ca tử vong mới: Việt Nam (241 ca), Philippines (47 ca), Malaysia (33 ca), Thái Lan (26 ca), Indonesia (10 ca), Lào (6 ca), Myanmar (4 ca), Singapore (3 ca) và Campuchia (3 ca). 

Indonesia kêu gọi người dân không ra nước ngoài do lo ngại biến thể Omicron

Chú thích ảnh
Bệnh nhân COVID-19 chờ được tiếp nhận tại bệnh viện ở Surabaya, Indonesia. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 16/12, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã kêu gọi người dân kiềm chế đi du lịch nước ngoài sau khi ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên được phát hiện ở quốc gia Đông Nam Á này. Ông cũng yêu cầu các quan chức nhà nước không đi du lịch các nước khác, ít nhất là cho đến khi tình hình lắng xuống 

Ông Widodo nhấn mạnh dư luận không nên hoang mang với những phát hiện về biến thể Omicron. Theo ông, biến thể mới chưa thể hiện tính chất nguy hiểm cho bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân đã tiêm vaccine. Tổng thống Indonesia kêu gọi: "Tôi yêu cầu những người dân chưa tiêm vaccine đến ngay các cơ sở y tế để tiêm. Mặc dù tình hình trên cả nước đang dần bình thường nhưng đừng buông lỏng mà hãy tuân thủ các quy trình đeo khẩu trang, giữ gìn. khoảng cách và thường xuyên rửa tay".

Ngày 16/12, Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin cho biết nước này đã ghi nhận ca đầu tiên nhiễm biến thể Omicron. Ca bệnh là một nhân viên làm việc tại bệnh viện Wisma Atlet ở Jakarta và không ra nước ngoài trước đó. 

Theo Bộ trưởng Sadikin, ca bệnh trên được phát hiện vào tối 15/12 và hiện chưa có ca nhiễm biến thể Omicron ngoài cộng đồng. Tuy nhiên, đến nay có 5 trường hợp nghi nhiễm biến thể này, trong đó có 2 công dân Indonesia mới trở về từ Mỹ và Anh, và 3 công dân Trung Quốc đang cách ly tại Manado thuộc tỉnh North Sulawesi. Nhà chức trách Indonesia đang tiến hành giải trình tự gene của các trường hợp này.

Biến thể Omicron tiếp tục lây lan, Malaysia cấm đón năm mới quy mô lớn

Chú thích ảnh
Hành khách chờ làm thủ tục tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 29/11/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 16/12, Bộ Y tế Malaysia (MOH) xác nhận ca nhiễm biến thể Omicron thứ hai tại nước này là một bé gái 8 tuổi từng sống cùng gia đình tại Lagos, Nigeria.

MOH cho biết bé gái này cùng mẹ và em gái nhập cảnh Malaysia vào ngày 5/12 vừa qua trên chuyến bay nối chuyến từ Doha, Qatar. Bé gái và gia đình đã làm xét nghiệm RT-PCR khi đến sân bay quốc tế Kuala Lumpur và được yêu cầu cách ly bắt buộc tại nhà. Kết quả xét nghiệm vào ngày 11/12 cho thấy bé gái dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 và xét nghiệm phân tích gene PCT vào ngày 14/12 xác nhận biến thể gây bệnh là Omicron.

Theo MOH, bé gái không có bất kỳ triệu chứng nào và đang tự cách ly tại nhà trong 14 ngày. Các thành viên gia đình bé gái có kết quả xét nghiệm âm tính, trong khi tài xế taxi đưa họ từ sân bay về nhà đang chờ kết quả xét nghiệm RT-PCR. Tất cả 35 hành khách khác đi cùng chuyến bay trên cũng được xếp vào nhóm tiếp xúc gần mặc dù đều có kết quả xét nghiệm âm tính.

Ngoài ra, MOH cũng cho hay hiện Malaysia có 18 trường hợp khác đang chờ kết quả xét nghiệm phân tích gene để xác nhận liệu họ có bị nhiễm biến thể Omicron hay không.

Trước đó, ngày 2/12, quốc gia Đông Nam Á này phát hiện ca đầu tiên nhiễm biến thể Omicron, là nữ sinh viên của một trường đại học tư nhân tại bang Perak. Bệnh nhân nhập cảnh từ Nam Phi qua Singapore và vào Malaysia ngày 19/11.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Kuala Lumpur, Malaysia ngày 2/3/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong bối cảnh đó, ngày 16/12, Bộ Y tế Malaysia cho biết các buổi lễ đón Năm Mới quy mô lớn tại nước này bị cấm.

Theo Bộ trưởng Y tế Khairy Jamaluddin, quyết định trên được đưa ra sau khi Malaysia ghi nhận thêm ca thứ 2 nhiễm biến thể Omicron và ít nhất 18 người khác nghi nhiễm. Bộ cũng sẽ thông báo các biện pháp bổ sung để ngăn chặn sự lây lan của biến thể này. Những buổi lễ đón Năm Mới hay Giáng Sinh quy mô nhỏ được phép tổ chức, trong đó người tham dự được yêu cầu tự xét nghiệm COVID-19 trước.

Bộ Y tế Malaysia cũng đưa ra các quy định mới đối với người đến từ Anh nhằm ngăn chặn biến thể Omicron. Bắt đầu từ ngày 17/12, người đến từ Anh sẽ phải tự xét nghiệm hàng ngày trong thời gian cách ly và tất cả kết quả sẽ phải thông báo trên ứng dụng quản lý COVID-19 của chính phủ. 

Ngoài ra, danh sách các nước bị xếp vào hạng có nguy cơ cao được tăng lên 9 nước. Người đến từ Anh, Mỹ, Australia, Pháp, Na Uy, Đan Mạch, Canada, Nigeria và Ấn Độ, nơi biến thể Omicron lây lan trong cộng đồng được yêu cầu đeo thiết bị theo dõi điện tử ở cổ tay khi đến và trong thời gian cách ly. Người đến từ Botswana, Eswatini, Lesotho, Mozambique, Namibia, Nam Phi, Zimbabwe và Malawi vẫn không được phép nhập cảnh Malaysia vào thời điểm hiện tại.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Các triệu chứng COVID-19 kéo dài ít cải thiện sau 1 năm
Các triệu chứng COVID-19 kéo dài ít cải thiện sau 1 năm

Theo một nghiên cứu của Viện Sức khỏe Quốc gia Anh (NIHS), hầu hết bệnh nhân bình phục sau thời gian phải nhập viện điều trị vì COVID-19 đều có các triệu chứng COVID kéo dài (Long COVID) và tình trạng này được cải thiện rất ít trong vòng 1 năm sau khi ra viện.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN