Thế giới đã ghi nhận trên 272,6 triệu ca mắc COVID-19

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 16/12 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 272.658.308 ca mắc COVID-19, trong đó có 5.348.977 ca tử vong. Trên 245.049.840 bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục trong khi vẫn còn 22.259.491 bệnh nhân đang được điều trị.

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine phòng COVID-19 của hãng dược Moderna cho nhân viên y tế tại New York, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại Mỹ, trong bối cảnh biến thể Omicron đang lây lan nhanh chóng khiến người dân phải đi xét nghiệm tại các cơ sở y tế như những ngày đầu xảy ra đại dịch, ngày càng nhiều trường cao đẳng và đại học ở nước này chuyển sang hình thức thi trực tuyến, hủy các sự kiện tập trung không cần thiết.

Cụ thể, Đại học Princeton ở New Jersey đã quyết định cho sinh viên làm bài thi qua hình thức trực tuyến, bắt đầu từ ngày 16/12. Ban Giám hiệu nhà trường cũng quyết định hủy bỏ việc ăn, uống tập trung trong không gian kín và tại những nơi không thể đeo khẩu trang. Quy định này có hiệu lực từ ngày 16/12 đến ngày 7/1/2022.

Đại học New York ở thành phố New York cũng hủy tất cả sự kiện và các buổi tập trung không cần thiết, khuyến khích cho sinh viên thi cuối kỳ trực tuyến. Còn Đại học DePaul ở Chicago đã thông báo về việc giảng dạy trực tuyến trong 2 tuần, từ ngày 3 - 15/1/2022. Một số trường khác gần đây cũng đã công bố thêm các biện pháp phòng, chống dịch, như trường Đại học Tulane đã khôi phục  yêu cầu đeo khẩu trang bắt buộc.

Chú thích ảnh
 Nhân viên y tế làm việc tại một bệnh viện điều trị cho bệnh nhân COVID-19 ở Warsaw, Ba Lan. Ảnh: PAP/TTXVN

Tại châu Âu, Ba Lan đã phát hiện ca đầu tiên nhiễm biến thể Omicron tại thành phố Katowice, miền Nam nước này. Quốc gia Trung Âu này đã buộc phải siết chặt các biện pháp hạn chế nhằm ứng phó với số ca mắc mới hằng ngày thường xuyên ở mức cao trong đợt lây lan dịch COVID-19 lần thứ tư. Tính đến nay, Ba Lan đã ghi nhận tổng cộng 3.903.445 ca mắc COVID-19, trong đó có 90.306 ca tử vong.

Còn Nga đã phát hiện thêm 25 ca nhiễm biến thể Omicron ở Moskva, tỉnh St-Peterburg và Rostov-na-Donu. Hiện, tất cả các bệnh nhân đang được theo dõi. Chính phủ Nga cảnh báo số ca nhiễm  Omicron sẽ tăng cao trong dịp Năm mới. 

Anh đã ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 ở mức cao nhất kể từ đầu đại dịch, với 78.610 ca, nâng tổng số ca bệnh đến nay lên 11.010.286 ca, trong đó có 146.791 ca tử vong (sau khi có thêm 165 ca tử vong mới). Trong số ca mắc mới, giới chức y tế Anh đã xác nhận 4.671 ca nhiễm biến thể Omicron, mức cao nhất theo ngày kể từ khi biến thể mới này xuất hiện tại Anh, nâng tổng số ca nhiễm Omicron ở nước này lên 10.017 ca. Giới chức y tế Anh cảnh báo sẽ tiếp tục có những kỷ lục buồn về số ca nhiễm mới trong vài tuần tới.

Trong khi đó, kể từ cuối tuần này, Pháp sẽ đình chỉ các hoạt động du lịch không thiết yếu từ nước này tới Anh và ngược lại, nhằm làm kìm hãm sự lây lan của biến thể Omicron. Cụ thể, kể từ đêm 18/12, Pháp sẽ yêu cầu du khách “thông báo lý do cấp thiết khi di chuyển từ Pháp tới Anh (hoặc ngược lại)”, kể cả đối với những trường hợp đã được tiêm phòng đầy đủ vaccine ngừa COVID-19. Quy định mới vẫn cho phép các công dân Pháp hoặc thuộc Liên minh châu Âu (EU) từ Vương quốc Anh trở về Pháp. Tuy nhiên, họ phải xuất trình giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 được thực hiện trước thời điểm nhập cảnh không quá 24 giờ. Trước đó, thời hạn hiệu lực của các xét nghiệm này được tính trong 48 giờ. Những trường hợp nhập cảnh này cũng sẽ phải trải qua quá trình cách ly y tế 7 ngày khi tới Pháp. 

Tương tự, Thụy Điển cũng sẽ yêu cầu du khách từ các quốc gia Bắc Âu láng giềng xuất trình giấy chứng nhận tiêm vaccine ngừa COVID-19 khi nhập cảnh nước này, nhằm kiểm soát hiệu quả hơn tình hình dịch bệnh trong nước. Quy định mới này có hiệu lực từ ngày 21/12 tới. Thụy Điển đã chứng kiến sự gia tăng đột biến các ca mắc COVID-19 trong thời gian gần đây, buộc chính phủ nước này phải áp đặt các biện pháp hạn chế để phòng dịch. Một số quốc gia Bắc Âu khác như Na Uy và Đan Mạch cũng đã có động thái tương tự do tình hình dịch bệnh phức tạp trở lại.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại East London, Nam Phi. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại châu Phi, Nam Phi ghi nhận 26.976 ca mắc mới COVID-19, mức tăng theo ngày cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại nước này. Số ca mắc mới trong một ngày tại Nam Phi tăng ở mức kỷ lục chỉ sau vài tuần nước này thông báo phát hiện biến thể Omicron. Con số này cao hơn mức tăng theo ngày cao nhất từng được ghi nhận (26.485 ca) vào ngày 3/7, thời điểm đỉnh dịch của làn sóng dịch bệnh thứ 3 do biến thể Delta gây ra. Chính phủ Nam Phi đã quyết định duy trì lệnh phong tỏa cấp độ 1 - mức thấp nhất trong hệ thống phòng dịch 5 cấp độ ở nước này, nhằm ứng phó với biến thể Omicron. Các cơ quan y tế được yêu cầu giám sát chặt chẽ sự gia tăng số ca mắc mới COVID-19 cũng như số ca nhập viện, tử vong và khỏi bệnh. 

Tại châu Á, Indonesia đã phát hiện ca đầu tiên nhiễm biến thể Omicron ở một nhân viên làm việc tại bệnh viện Wisma Atlet ở Jakarta và không ra nước ngoài trước đó. Ngay sau đó, Tổng thống Joko Widodo kêu gọi người dân kiềm chế đi du lịch nước ngoài và yêu cầu các quan chức nhà nước không đi du lịch các nước khác, ít nhất là cho đến khi tình hình dịch bệnh lắng xuống. 

Tại Hàn Quốc, chính phủ nước này thông báo sẽ khống chế lại thời gian hoạt động của các doanh nghiệp cũng như hạn chế quy mô các cuộc tụ tập trong bối cảnh số ca nhiễm mới tăng cao kỷ lục khiến chính phủ nước này phải dừng kế hoạch sống chung với COVID-19. Theo các quy định mới, có hiệu lực trong hai tuần (từ ngày 18/12), các nhà hàng, quán cà phê và các địa điểm giải trí sẽ phải đóng cửa vào lúc 21h00, trong khi các địa điểm công cộng khác như rạp chiếu phim và phòng hòa nhạc sẽ hoạt động đến 22h00. Quy mô của các buổi gặp gỡ riêng tư được giới hạn không quá 4 người. Hàn Quốc đưa ra các biện pháp trên sau khi nước này ngày 15/12 ghi nhận số ca mắc mới cao chưa từng thấy - với 7.850 ca và dự báo con số này có thể tăng lên 20.000 vào tháng tới.

Còn Malaysia đã thông báo các biện pháp hạn chế mới nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19, trong đó có cấm tập trung đông người và yêu cầu tiêm liều vaccine tăng cường cho những nhóm người có nguy cơ cao. Quyết định này được đưa ra sau khi Malaysia ghi nhận ca thứ 2 nhiễm biến thể Omicron và 18 ca nghi nhiễm biến thể này.

Chú thích ảnh
Hành khách chờ làm thủ tục tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo quy định mới, để ngăn chặn sự lây lan của biến thể Omicron, Malaysia cấm tập trung đông người vào dịp Năm mới sắp tới và yêu cầu tự xét nghiệm đối với những người muốn tham gia các hoạt động tư nhân nhân dịp Năm mới và Giáng sinh. Những công dân Malaysia trên 60 tuổi và người trưởng thành đã tiêm vaccine của hãng Sinovac (Trung Quốc) phải tiêm liều tăng cường trước tháng 2/2022 để duy trì chứng nhận đã tiêm đầy đủ vaccine.

Malaysia cũng đưa ra các quy định mới đối với người đến từ Anh nhằm ngăn chặn biến thể Omicron. Bắt đầu từ ngày 17/12, những người đến từ Anh sẽ phải tự xét nghiệm hàng ngày trong thời gian cách ly và tất cả kết quả sẽ phải thông báo trên ứng dụng quản lý COVID-19 của chính phủ. Ngoài ra, danh sách các nước bị xếp vào hạng có nguy cơ cao được tăng lên 9 nước. Người đến từ Anh, Mỹ, Australia, Pháp, Na Uy, Đan Mạch, Canada, Nigeria và Ấn Độ, nơi biến thể Omicron lây lan trong cộng đồng được yêu cầu đeo thiết bị theo dõi điện tử ở cổ tay khi đến và trong thời gian cách ly. Người đến từ Botswana, Eswatini, Lesotho, Mozambique, Namibia, Nam Phi, Zimbabwe và Malawi vẫn không được phép nhập cảnh Malaysia vào thời điểm hiện tại.

Trong khi đó, Nhật Bản đã chính thức phê duyệt sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của hãng Moderna (Mỹ) làm mũi tăng cường. Quyết định trên được đưa ra một ngày sau khi các chuyên gia Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) khuyến nghị tiêm mũi tăng cường vaccine của Moderna cho những người trên 18 tuổi. Đây là độ tuổi được triển khai tiêm rộng rãi mũi một và mũi hai vaccine của Moderna tại các địa điểm tiêm chủng ở nơi làm việc. Như vậy, vaccine của Moderna sẽ là vaccine tiếp theo, sau vaccine của hãng Pfizer/BioNTech, được sử dụng làm mũi tiêm tăng cường cho người dân Nhật Bản từ 18 tuổi trở lên.

Minh Châu (TTXVN)
Ba Lan phải trả giá đắt khi nhiều người dân từ chối tiêm vaccine COVID-19
Ba Lan phải trả giá đắt khi nhiều người dân từ chối tiêm vaccine COVID-19

Tỉ lệ tiêm chủng thấp đã đẩy Ba Lan vào tình thế nguy hiểm, với số ca nhiễm và tử vong vì COVID-19 tăng vọt trong bối cảnh biến thể Omicron đáng lo ngại hơn đang rình rập.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN