Có thể nói Thái Lan là một ví dụ điển hình về một quốc gia luôn chú trọng từng bước thực để bảo vệ văn hóa ẩm thực và an toàn thức ăn đường phố.
Dự án “Clean Food Good Taste” (tạm dịch: Thức ăn sạch, vị ngon) được thực hiện năm 1999 là một dự án rất thành công. Dự án này nhằm giảm rủi ro mắc các bệnh do ăn uống thức ăn được phục vụ trong nhà hàng và quầy bán vỉa hè, hỗ trợ chính quyền địa phương quản lý an toàn thực phẩm, từ đó quảng bá nền ẩm thực với du khách.
Theo tiêu chuẩn của dự án, quầy đồ ăn đường phố phải tuân theo 12 biện pháp đảm bảo vệ sinh để được cấp logo “Clean Food Good Taste”. Sau dự án, có rất nhiều người được cấp logo này để trưng bày ở quầy đồ ăn của mình, giúp người mua cảm thấy an tâm hơn.
Tiếp đó, tới năm 2019, Bộ Y tế Thái Lan đã phát động một chiến dịch an toàn thực phẩm “bình thường mới” nhằm duy trì các biện pháp vệ sinh ở tất cả các khâu: từ chuẩn bị, nấu nướng, phục vụ và bán đồ ăn đường phố. Chiến dịch này được Quỹ Nâng cao Sức khỏe Thái Lan hỗ trợ tài chính.
Ở mỗi huyện của mỗi tỉnh, có một quầy bán hàng rong kiểu mẫu và một khu chợ trời kiểu mẫu. Cụ thể, có 12 món ăn đường phố ở Chiang Mai, Lampang, Phra Nakhon Si Ayutthaya, SuphanBuri, Chon Buri, Kalasin, UbonRatchathani, Surat Thani, Phuket, Songkhla và Trang đã được lựa chọn tham gia chiến dịch. Tiêu chí lựa chọn là: món ăn đại diện cho 4 khu vực; đảm bảo 4 khía cạnh liên quan sức khỏe, kinh tế, xã hội và văn hóa; do chính quyền địa phương quản lý cùng với các đại diện trong lĩnh vực ẩm thực đường phố. 12 loại thức ăn đường phố này có mô hình quản lý riêng tùy theo bối cảnh khác nhau.
Những người bán hàng rong và các khu chợ này phải tuân thủ các biện pháp vệ sinh và sức khỏe, bán các món ăn ngon với giá cả phải chăng, có bảng giá rõ ràng và bảng tên cửa hàng, tên các sản phẩm hữu cơ được bán… Theo mô hình kiểu mẫu, các chủ quầy thức ăn đường phố mặc trang phục địa phương, bán đặc sản vùng miền.
Mục đích của chiến dịch này là giúp tăng cường niềm tin của khách hàng về chất lượng và vệ sinh thực phẩm, giúp quảng bá du lịch để thúc đẩy nền kinh tế Thái Lan, hỗ trợ người bán hàng ăn đường phố xây dựng các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.
Trả lời phóng viên báo Tin tức qua thư điện tử, bà Naiyana Chaitiemwong, Giám đốc Trung tâm Hợp tác Quốc tế (Bộ Y tế Thái Lan), cho biết: “Việc triển khai dự án tại khu vực mục tiêu đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ những người bán hàng rong và chính quyền địa phương. Sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng trung ương đã khuyến khích họ sẵn sàng hợp tác để đảm bảo thức ăn đường phố đạt tiêu chuẩn, tạo lợi thế về kinh tế, xã hội, văn hóa và du lịch trên địa bàn”.
Tuy không nằm trong chiến dịch nói trên nhưng khu chợ đêm Ton Tann thuộc tỉnh Khon Kaen (Đông Bắc Thái Lan) cũng luôn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho các quầy hàng ăn ngoài trời.
Bước vào khu chợ đêm này, du khách sẽ thấy ngay những dãy quầy hàng bán thức ăn đường phố gọn gàng, sạch sẽ với đủ loại món ăn ngon miệng, giá rẻ. Đeo găng tay, tạp dề và khẩu trang, bà chủ quầy đồ ăn kiểu Nhật Bản tên Mam (38 tuổi) vừa thoăn thoắt gói đồ ăn cho khách vừa kể với phóng viên báo Tin tức rằng mình đã bán đồ ăn ở chợ đêm Ton Tann khoảng 7-8 năm.
Mam cho biết quầy hàng của mình không bao giờ bán thức ăn đã để qua đêm, chỉ dùng nguyên liệu tươi mới để chế biến thức ăn, có như vậy với đảm bảo an toàn thực phẩm. Cô nói thêm rằng theo quy định của chợ, họ không được dùng hộp xốp để đựng thức ăn bán cho khách. Khi được hỏi khu chợ đã xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào chưa, Mam lắc đầu nói: “Tôi chưa nghe thấy bao giờ”.
Tại chợ Ton Tann, khách sẽ mua đồ ăn từ các quầy, ăn tại khu vực bàn ghế công cộng giữa chợ. Mỗi khi có nhóm khách nào ăn xong, một người dọn dẹp sẽ đẩy xe tới để thu gom bát đĩa, rác, lau bàn. Nhờ vậy, mà khu vực ăn uống lúc nào trông cũng sạch sẽ.
Ở khắp Thái Lan, hầu như có thể tìm thấy những khu chợ và dãy phố bán đồ ăn vỉa hè ở mọi nơi. Ẩm thực đường phố Thái Lan nổi tiếng khắp thế giới, được ví là thỏi nam châm hút du khách và thúc đẩy kinh tế địa phương. Riêng tại thủ đô Bangkok, ước tính có tới 111.000 quầy bán thức ăn đường phố.
Sinthavong Phuangchampa, một du khách 39 tuổi tới từ Lào, nhận xét về đồ ăn đường phố Thái Lan: “Tôi thấy thức ăn đường phố ở đây an toàn vì người chủ quầy hàng luôn chế biến các món ăn sạch sẽ không khác gì trong các nhà hàng”.
Nguyễn Thị Hồng Hoa (48 tuổi) từng học thạc sĩ năm 2003-2004 tại Thái Lan rất hào hứng khi nói về thức ăn đường phố ở nước này. Sau hai năm sống ở đây, chị cho biết đã thử rất nhiều loại đồ ăn đường phố ở Thái Lan.
Chị kể: "Khu ẩm thực đường phố rất phong phú món ăn và đa dạng màu sắc nhưng không kém phần chất lượng và sạch sẽ. Dù ăn ngoài đường nhiều lần nhưng tôi và các bạn chưa lần nào gặp phải vấn đề gì về đường tiêu hóa. Chỗ ngồi ăn và vật dụng đựng thức ăn cũng rấ sạch sẽ. Các món ăn đường phố Thái Lan chưa lần nào làm tôi thất vọng".
Tuy vậy, không phải ai cũng có cái nhìn thiện cảm về ẩm thực hè phố Thái Lan. Tanadech Sriwanchai (23 tuổi, người Thái Lan), trợ lý hoạt động dự án tại Viện Mekong (Khon Kaen), cho biết từng bị ngộ độc thực phẩm vài lần vì loại đồ ăn này. Anh nói: “Tôi bị ngộ độc thực phẩm khi chủ quầy hàng dùng tay trần để chuẩn bị đồ ăn. Do đó, mỗi khi định mua đồ ăn hè phố, tôi luôn chọn quầy hàng trông sạch sẽ và người bán hàng trông cũng phải sạch sẽ”.
Để đảm bảo vệ sinh ngay từ khâu chuẩn bị đồ ăn đường phố và tránh để khách hàng có trải nghiệm tiêu cực như Tanadech, bà Ratna Devi Nadarajan, chuyên gia thực phẩm tại Viện Mekong, có lời khuyên với các chủ quầy hàng: “Trước hết, họ cần dành thời gian để hiểu và thực hành xử lý thực phẩm an toàn. Mức độ xử lý thực phẩm an toàn cũng phụ thuộc vào loại thực phẩm được chế biến. Thực phẩm từ động vật đòi hỏi các biện pháp nghiêm ngặt hơn. Nếu chính quyền địa phương đã chỉ định các địa điểm bán thức ăn đường phố, những người bán hàng nên cố gắng sử dụng các địa điểm này vì những nơi đó có sẵn nước sạch, biện pháp vệ sinh và cơ sở quản lý rác thải”.
Về vấn đề quản lý an toàn thực phẩm hè phố, bà Ratna cho rằng các luật và quy định phải khuyến khích tuân thủ và không trừng phạt, không tạo gánh nặng cho những người bán thức ăn đường phố vốn thuộc nhóm thu nhập thấp. Ở nhiều nước, chính quyền địa phương đã xây dựng các khu vực bán thức ăn đường phố được trang bị hệ thống nước sạch, vệ sinh và quản lý rác thải. Họ cũng cấp miễn phí cho các quầy bán đồ ăn đường phố một bộ đồ đảm bảo vệ sinh như tạp dề, mũ che tóc và găng tay…
Theo chuyên gia Ratna, nhìn chung, thức ăn đường phố ở các nước thuộc tiểu vùng sông Mekong là một điểm thu hút khách du lịch và cần được bảo vệ vì nét văn hóa này giúp khách trải nghiệm văn hóa ẩm thực địa phương. Tăng cường an toàn thực phẩm trong nhóm những người kinh doanh thức ăn đường phố sẽ làm mọi người thêm tin tưởng vào thực phẩm hè phố, góp phần tăng thu nhập bền vững, thúc đẩy du lịch.