Theo tờ The Conversation, 15 tháng sau khi Indonesia có ca mắc COVID-19 đầu tiên, quá trình xét nghiệm ở nước này vẫn thuộc nhóm thấp nhất châu Á. Tỷ lệ xét nghiệm COVID-19 ở Indonesia mới chỉ khoảng 40/1.000 người. Trong khi đó, tỷ lệ này ở Philippines là 115, ở Malaysia là 373 và ở Singapore là trên 2.000.
Ngay cả ở Myanmar, nơi đang xảy ra bất ổn chính trị, tỷ lệ xét nghiệm cũng cao hơn ở Indonesia.
Một điều nữa là kết quả xét nghiệm của Indonesia không đáng tin cậy. Nước này vẫn quá phụ thuộc vào xét nghiệm nhanh kháng nguyên, ít chính xác hơn xét nghiệm sinh học phân tử PCR.
Con số thống kê chính thức của Indonesia cũng không chính xác. LaporCovid-19, một trang web độc lập cung cấp thông tin về đại dịch, cho biết có sự không nhất quán giữa con số 48.477 ca tử vong vì COVID-19 theo chính phủ Indonesia và con số 50.477 ca theo thống kê của LaporCovid-19.
Các nhà nghiên cứu từ lâu đã cho rằng Indonesia xảy ra tình trạng số ca tử vong và ca mắc chính thức thấp hơn thực tế khá nhiều.
Dù có thấp hơn thực tế nhưng dữ liệu chính thức vẫn cho thấy số ca mắc COVID-19 đang tăng mạnh. Ngày 15/5, Indonesia có 2.385 ca mắc mới. Hai tuần sau, con số hàng ngày tăng lên hơn gấp đôi: 6.565 ca mắc.
Nếu con số tiếp tục tăng với tỷ lệ này, hệ thống y tế Indonesia sẽ không thể chống đỡ. Khi số ca mắc đạt đỉnh đầu năm 2021 ở mức 10.000-14.000 ca mắc mới/ngày, các bệnh viện ở thủ đô Jakarta đã quá tải và không nhận thêm bệnh nhân.
Có khả năng con số ca mắc mới sẽ lại tăng lên mức đỉnh này một lần nữa, thậm chí còn cao hơn.
Đầu tháng 5, giới chức Indonesia cho biết đã ghi nhận các ca mắc biến thể Anh, Nam Phi và Ấn Độ - các biến thể lây lan mạnh hơn chủng ban đầu.
Vấn đề còn tệ hơn với Indonesia khi mà nước này vừa trải qua một sự kiện siêu lây nhiễm quy mô quốc gia: Eid al-Fitr, ngày lễ quan trọng nhất của người Hồi giáo.
Theo truyền thống, hàng triệu người Hồi giáo về quê đoàn tụ gia đình. Lo sợ lặp lại tình trạng ca mắc hàng ngày tăng vọt 93% như năm 2020 sau lễ Eid al-Fitr, chính phủ Indonesia đã cấm dân đi lại năm nay. Tuy nhiên, việc thực thi lệnh cấm này khá lỏng lẻo, người dân vẫn đổ về quê dù với số lượng có ít hơn. Nhiều người đã lên mạng xã hội để tìm các tuyến đường tránh chốt kiểm tra của cảnh sát.
Trong 2 tuần qua, người Indonesia đã dần dần trở lại thành phố, tiềm ẩn nguy cơ gây ra đợt bùng phát dịch lớn.
Điều tương tự đang xảy ra ở nước láng giềng Malaysia, nơi chính phủ đã phải phong tỏa hoàn toàn sau lễ Eid al-Fitr khi số ca mắc hàng ngày tăng kỷ lục liên tiếp.
Tuy nhiên, với dân số gấp 8 lần Malaysia và hệ thống y tế yếu kém hơn, Indonesia vẫn để các hoạt động diễn ra như bình thường.
Chính phủ Indonesia gần đây đã gia hạn các biện pháp phòng dịch toàn quốc hết 14/6, yêu cầu trường học đóng cửa, cửa hàng và nhà hàng đóng cửa vào khung giờ nhất định, hạn chế số nhân viên làm việc tại văn phòng. Tuy nhiên, biện pháp phong tỏa mạnh mẽ hơn vẫn chỉ là khả năng xa xôi.
Trong khi đó, chương trình tiêm chủng vaccine COVID-19 ở Indonesia diễn ra chậm. Mới gần 4% dân số Indonesia được tiên vaccine đầy đủ. Dù vậy, chương trình này xảy ra nhiều bê bối tham nhũng. Một số quan chức đã bị bắt vì lấy vaccine dành cho tù nhân để bán ra thị trường. Một quan chức còn bị cáo buộc nhận hối lộ liên quan tới phân phối viện trợ cho người nghèo.
Tình trạng mệt mỏi vì dịch bệnh trong người dân cộng với các vụ bê bối nói trên càng khiến quá trình khống chế COVID-19 ở Indonesia thêm khó khăn, nhất là khi các biến thể nguy hiểm hơn đang xuất hiện, đe dọa gây ra các đợt bùng phát dữ dội hơn. Nếu kịch bản này xảy ra, chính phủ Indonesia sẽ đối mặt thảm họa y tế.