Báo động tình trạng bạo lực với nhân viên y tế ở Ấn Độ trong dịch COVID-19

Các vụ bạo lực đối với nhân viên y tế đang có chiều hướng gia tăng đáng kể ở Ấn Độ. Điều này đã gây ra tâm lý hoảng sợ đối với các y bác sĩ còn đang vật lộn trong cuộc chiến chống làn sóng COVID-19 thứ hai tại quốc gia Nam Á này.

Chú thích ảnh
Bác sĩ Ấn Độ cầm biểu ngữ biểu tình bên ngoài bệnh viện King Edward tại Mumbai. Ảnh: AP

Theo đài Sputnik, chiều 1/6, một bác sĩ tại trung tâm điều trị COVID-19 ở thành phố Hojai (bang Assam) đã bị người thân của một bệnh nhân qua đời vì mắc COVID-19 cầm gạch và thùng rác kim loại đánh đập dã man. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng tử vong của bệnh nhân đó là do thiếu oxy. Hiện vị bác sĩ kia vẫn đang nằm trong viện điều trị vết thương song sức khỏe đã có phần ổn định. 

Bác sĩ Seuj Kumar – nạn nhân trong vụ việc – cho biết một người thân của bệnh nhân đã tìm đến ông và nói rằng tình trạng sức khỏe của bệnh nhân rất nguy kịch. “Tôi tới phòng bệnh và phát hiện bệnh nhân đã tử vong. Khi tôi thông báo tin buồn cho họ, một người bắt đầu tấn công tôi”, bác sĩ Kumar chia sẻ.

Đây là vụ bạo lực mới nhất trong làn sóng tấn công và có hành vi đánh đập, chửi bới nhằm vào đội ngũ nhân viên y tế ngày càng gia tăng tại Ấn Độ.

Trước đó một ngày, bác sĩ Deepak (50 tuổi) cũng bị tấn công tại thành phố Tarikere (bang Karnataka) sau khi một bệnh nhân nhi 6 tuổi tử vong vì sốt xuất huyết. Bốn người sau đó đã bị bắt giữ và buộc tội cố ý giết người sau vụ tấn công.

Theo Hiệp hội Y khoa Ấn Độ (MIA), những vụ bạo lực như trên có chiều hướng gia tăng theo từng năm.

Lên án hai vụ tấn công nhằm vào bác sĩ, Tiến sĩ J.A. Jayalal – Chủ tịch hiệp hội – cho hay: “Tôi hiểu sự tức giận của người dân, họ tìm đến chúng tôi để được giúp đỡ nhưng khi người thân của họ mất, tất nhiên họ sẽ tức giận. Con người nổi giận là lẽ tự nhiên vì họ tìm đến chúng tôi với niềm hy vọng”.

Tuy nhiên, ông Jayalal cũng nhấn mạnh chính phủ cần có trách nhiệm đảm bảo an toàn cho bác sĩ và những nhân viên y tế khác.

“Tình trạng này có hai hướng giải quyết. Một là tuyên bố tất cả các bệnh viện là khu vực được bảo vệ và triển khai những quy định pháp luật nghiêm ngặt. Hai là những kẻ ác cần được trừng phạt để làm gương cho người khác”, Tiến sĩ Jayalal trả lời Sputnik ngày 2/6.

“Cần phải tăng cường đội ngũ an ninh bảo vệ xung quanh bệnh viện. Chẳng có nghĩa lí gì nếu họ tới sau khi vụ việc đã xảy ra xong. Bác sĩ và các nhân viên y tế làm việc không mệt mỏi để cứu mạng sống của mọi người. Những vụ bạo lực như vậy đã khiến họ sợ hãi và chùn bước. Cần phải có phương án giải quyết ngay nếu không muốn tình hình trở nên tồi tệ hơn”, ông Jayalal nói thêm.

Một số bác sĩ trải lòng mặc dù làm việc không mệt mỏi trong suốt đại dịch nhưng họ lại đang bị đối xử theo cách không thể chấp nhận được.

Video quay cảnh người thân bệnh nhân tấn công bác sĩ Kumar ở bệnh viện Udali Model (nguồn: FAIMA):

Ngày 2/6, IMA tuyên bố có tới 594 bác sĩ tử vong trong làn sóng COVID-19 thứ hai tại Ấn Độ.

Trong bối cảnh các vụ bạo lực nhằm vào y bác sĩ lặp đi lặp lại, IMA kêu gọi Bộ trưởng Nội vụ liên bang Amit Shah khẩn trương thông qua một đạo luật "chống bạo lực y tế" để bảo vệ đội ngũ nhân viên y tế của đất nước.

Theo kết quả của một nghiên cứu do IMA thực hiện, hơn 75% bác sĩ trong nước đã phải hứng chịu ít nhất một lần nị bạo lực và hơn 68% sự cố là do những thân nhân của bệnh nhân gây ra. Các chuyên gia sức khỏe tâm thần cũng chỉ ra những vụ tấn công đã khiến tinh thần của các bác sĩ vốn dĩ đã kiệt quệ vì đại dịch càng thêm tồi tệ.

Tiến sĩ Zirak Marker, một bác sĩ chuyên khoa tâm thần cấp cao, cho biết nguy cơ gặp phải chịu tổn thương tinh thần và căng thẳng là rất cao đối với các nhân viên y tế tuyến đầu. Bên cạnh thời gian làm việc kéo dài, mệt mỏi, thiếu ngủ, đội ngũ y tế còn phải đối mặt với những khó khăn khi tiếp xúc và những cảm xúc khó kiểm chế của người thân bệnh nhân. Điều này có thể dẫn tới tình trạng kiệt sức và cạn kiệt xúc cảm.

Tiến sĩ Marker cho rằng mọi người cần nhận ra những nhân viên y tế tuyến đầu cũng là con người với nhiều cảm xúc giống như bất kỳ người nào khác. Họ không phải siêu nhân hay thần thánh có thể kiểm soát mọi tình huống hay kết quả diễn ra như thế nào.

IMA tiết lộ Bộ Y tế Ấn Độ từng đề xuất dự luật mang tên “Cấm Bạo lực và Thiệt hại tài sản 2019”, song sau đó Bộ Nội vụ đã bác bỏ sự cần thiết phải có một luật riêng đối với một nghề cụ thể.

Một số bác sĩ cho biết họ cảm thấy sợ hãi và thất vọng vì những vụ tấn công và hành hung tại nơi làm việc. Tháng trước, Tòa án Tối cao Bombay đã chỉ đạo các bang bảo vệ các bác sĩ và nhân viên y tế ở tuyến đầu chiến đấu với đại dịch COVID-19.

Khi tình trạng bạo lực đối với bác sĩ và nhân viên y tế gia tăng đáng kể trong làn sóng COVID-19 thứ hai, một số bác sĩ đã cảnh báo sẽ nghỉ làm nếu các cuộc tấn công tiếp diễn.

Bảo Hà/Báo Tin tức
Hàng nghìn bác sĩ Ấn Độ biểu tình phản đối dùng yoga điều trị COVID-19
Hàng nghìn bác sĩ Ấn Độ biểu tình phản đối dùng yoga điều trị COVID-19

Hàng nghìn bác sĩ khắp Ấn Độ đã tham gia cuộc biểu tình mang tên “Ngày màu Đen” hôm 1/6 để chống lại quan điểm dùng yoga và y học cổ truyền điều trị COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN