Theo tờ StraitsTimes, Tiến sĩ Sebastian Maurer-Stroh, chuyên gia virus và là Giám đốc điều hành Viện Tin sinh học tại Cơ quan Khoa học, Công nghệ và Nghiên cứu Singapore, đã chỉ ra 4 đặc điểm điển hình của B1617.
Ông sử dụng một trong ba phiên bản của biến thể B1617, đó là phiên bản thứ hai: B16172 để làm rõ điều gì khiến biến thể này khác biệt hẳn. Biến thể B16172 dường như đã át biến thể B16171 ở Singapore và toàn cầu. Phiên bản thứ ba là B16173 hiếm hơn.
Các đột biến giúp biến thể Ấn Độ bám dính thụ thể ACE2
Thụ thể ACE3 là protein thụ thể trong tế bào vật chủ. Các thụ thể này xuất hiện trong nhiều khu vực của cơ thể, trong đó có các bộ phận hệ hô hấp và được SARS-CoV-2 chọn làm điểm xâm nhập cơ thể.
Virus SARS-CoV-2 vào trong tế bào vật chủ thông qua protein gai trên bề mặt virus. Protein gai này và các thụ thể có hình dạng không gian ba chiều đặc biệt, giúp chúng dính vào nhau. Virus chỉ gắn vào các tế bào có các thụ thể này.
Protein gai gắn vào một thụ thể ACE2 trong tế bào vật chủ rồi được một enzyme khác kích hoạt.
Các nhà khoa học cho rằng đột biến L452R và đột biến T478K khiến virus SARS-CoV-2 dễ bám vào thụ thể hơn và dễ xâm nhập tế bào hơn. Nhờ đó, virus có thể lây lan ra nhiều tế bào hơn.
Tuy nhiên, lây lan dễ hơn không có nghĩa là virus có thể khiến con người mắc bệnh nặng hơn. Đa số biến thể dễ lây hơn thường không gây triệu chứng bệnh hoặc khiến bệnh nặng hơn.
Giảm bám vào kháng thể
T478K và các đột biến khác dường như khiến virus ít dính vào kháng thể. Trong phản ứng miễn dịch hoàn chỉnh, có nhiều loại kháng thể kết hợp với nhau.
Mặc dù chưa chứng minh đột biến T478K khiến virus ít dính vào kháng thể hơn, nhưng dữ liệu hiện có cho thấy có mối liên quan này. Đột biến E484K trong biến thể B1351 (Nam Phi) và P1 (Brazil) ở cùng ví trí như đột biến T478K, nên có thể các biến thể này gây ra tác động giống nhau.
Mặc dù một đột biến có thể giảm hiệu quả vaccine nhưng không đủ để vô hiệu hóa hoàn toàn.
Tiêm chủng và miễn dịch tự nhiên sau các lần mắc bệnh vẫn rất hiệu quả trong giảm nguy cơ mắc COVID-19 và lây lan bệnh cho người khác, đồng thời giảm nguy cơ mắc bệnh nặng nếu chẳng may tái nhiễm, kể cả nhiễm biến thể mới.
Protein gai ổn định hơn
Đột biến D614G rất thành công trong tăng cường tính ổn định cho protein gai của virus và gần như nó xuất hiện trong mọi biến thể. D614G khiến protein gai có hình dạng mở hơn, bề mặt rộng hơn để tương tác dễ hơn với thụ thể ACE2, nhờ đó tăng tính lây lan.
Protein gai ổn định hơn cũng có nghĩa là bề mặt virus SARS-CoV-2 có nhiều protein gai hơn, tăng cơ hội cho virus trong xâm nhập tế bào vật chủ.
Đột biến D614G khiến virus lây lan dễ hơn, khiến người bệnh có nhiều virus hơn nhưng không khiến bệnh nặng hơn.
Tốc độ phân chia nhanh hơn
Protein gai cần tách thành hai phần để thay đổi cấu trúc cần thiết nhằm xâm nhập tế bào.
Đột biến như P681R có thể thay đổi tốc độ phân chia và do đó làm nó dễ lây lan hơn. Tuy nhiên, điều này chưa được xác nhận về mặt thí nghiệm.
Trong khi đó, theo tờ Global Times, biến thể Ấn Độ đang hoành hành mạnh đặc biệt ở châu Á, gây ra các làn sóng COVID-19 mới ở nhiều nước như Singapore, Thái Lan, Nepal, Malaysia…
Biến thể B1617 đã khiến Malaysia phải áp đặt phong tỏa toàn quốc từ tháng 6. Tại Nepal, cơ sở y tế đã tới giới hạn chịu đựng khi mà số ca mắc hàng ngày tăng vọt. Số ca mắc ở Thái Lan cũng tăng mạnh, trong đó 82% số ca mới xuất hiện từ tháng 4.
Không chỉ châu Á, các khu vực khác cũng lo ngại về biến thể B1617. Ở châu Âu, xuất hiện nhiều lời kêu gọi xem xét lại kế hoạch mở cửa trở lại của Anh vì lo sợ biến thể này có thể kích hoạt làn sóng dịch bệnh mới.