Theo Reuters, thông tin từ các công ty và dữ liệu công bố cho thấy, bất chấp việc dòng khí đốt từ Nga đến Áo đã ngừng lại hôm 16/11, các khách hàng khác tại châu Âu đã nhanh chóng mua lại những lượng khí chưa được bán.
Trước khi xảy ra xung đột tại Ukraine, Nga từng là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất cho châu Âu. Tuy nhiên, Liên minh châu Âu (EU) đang nỗ lực cắt giảm phụ thuộc năng lượng Nga, khiến Nga mất đi phần lớn khách hàng trên lục địa này.
Hiện tại, khí đốt Nga vẫn được bán với khối lượng lớn cho Slovakia, Hungary và Cộng hòa Séc vốn là các quốc gia không có hợp đồng mua bán trực tiếp. Các khối lượng nhỏ hơn tiếp tục được cung cấp cho Italy và Serbia.
Theo hãng tin AP, Gazprom, tập đoàn năng lượng quốc doanh của Nga, đã ngừng cung cấp khí đốt cho OMV, công ty năng lượng lớn nhất của Áo hôm 16/11, sau khi công ty này đe dọa thu giữ một phần khí đốt của Gazprom để bù đắp cho phán quyết trọng tài mà OMV đã thắng trong một tranh chấp hợp đồng.
Tuy nhiên, Gazprom khẳng định lượng cung khí đốt hàng ngày tới châu Âu qua Ukraine, tuyến trung chuyển chính của khí đốt Nga tới EU, vẫn duy trì ở mức 42,4 triệu m3/ngày, tương đương khối lượng thông thường.
Trước khi nguồn cung bị cắt, Áo nhận 17 triệu m3 mỗi ngày. Hiện tại, các khối lượng này đã được bán cho các khách hàng khác tại châu Âu.
Công ty nhà nước Slovakia SPP cho biết họ vẫn đang nhận khí đốt từ Nga và cho rằng nhiều công ty khác đã mua thêm vì có nhiều lợi ích.
Một nguồn tin am hiểu về cung ứng khí đốt Nga tại châu Âu cho biết, khí đốt Nga hiện vẫn rẻ hơn so với nhiều nguồn khác, do đó khối lượng dành cho Áo đã nhanh chóng được bán lại. Tuy nhiên, nguồn tin từ chối tiết lộ tên các công ty đã mua số khí này. Phía Áo khẳng định nước này có đủ lượng dự trữ khí đốt để bù đắp thiếu hụt và có thể nhập khẩu từ Đức hoặc Italy khi cần.
Thị trường khí đốt châu Âu nhạy cảm trước các diễn biến địa chính trị và vấn đề cung ứng, đặc biệt khi hợp đồng trung chuyển khí đốt qua Ukraine dự kiến kết thúc vào cuối năm nay. Thời tiết lạnh hơn ở châu Âu đang làm gia tăng nhu cầu sưởi ấm, dẫn đến việc rút khí đốt từ các kho dự trữ sớm hơn so với năm ngoái.
Ông Aldo Spanjer, chiến lược gia cao cấp về hàng hóa tại BNP Paribas, nhận định nếu các quốc gia lo ngại về lượng khí đốt dự trữ vào mùa đông do khó khăn về nguồn cung và thời tiết thì có thể tính tới nhu cầu mua khối lượng lớn (khí đốt tự nhiên hóa lỏng) vào mùa hè.
Giá khí đốt giao tháng tới tại trung tâm TTF Hà Lan, chuẩn giá khí châu Âu, đã đóng cửa ở mức 45,72 euro mỗi megawatt/giờ vào hôm 15/11, mức cao nhất trong gần một năm.
Trước đây, Nga cung cấp tới 35% khí đốt cho châu Âu. Nhưng kể từ khi xung đột tại Ukraine bùng nổ năm 2022, Gazprom đã mất thị phần vào tay Na Uy, Mỹ và Qatar.
Dòng khí đốt còn lại của Gazprom tới châu Âu dự báo sẽ không kéo dài bởi đường ống từ thời Liên Xô qua Ukraine sẽ ngừng hoạt động khi hợp đồng trung chuyển hết hạn vào cuối năm nay. Ukraine đã tuyên bố không muốn gia hạn thỏa thuận này.
Đường ống Yamal-Europe qua Belarus đã đóng cửa sau một tranh cãi, trong khi Nga cáo buộc Mỹ và Anh gây ra các vụ nổ dưới biển Baltic khiến tuyến đường ống Nord Stream bị gián đoạn. Washington và London đã phủ nhận phá hủy các tuyến đường ống này. Theo tờ Wall Street Journal, các quan chức Ukraine có thể đứng sau vụ tấn công này, nhưng Ukraine cũng bác bỏ cáo buộc.
Nếu Ukraine đóng cửa tuyến trung chuyển khí đốt, các nguồn cung lớn của Nga sẽ chỉ tập trung vào Slovakia và Hungary, nơi nhận phần lớn khí đốt qua đường ống chủ yếu chạy qua Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo dữ liệu tổng hợp, Nga đã vận chuyển khoảng 15 tỷ m3 khí đốt qua Ukraine vào năm 2023, chiếm khoảng 8% lượng khí đốt lúc cao điểm của Nga đến châu Âu qua nhiều tuyến đường khác nhau trong năm 2018 và 2019.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, vào năm 2023, tuyến đường trung chuyển Ukraine đã đáp ứng 65% nhu cầu khí đốt ở Áo và các nước láng giềng phía Đông là Hungary và Slovakia.