Đài Sputnik dẫn nguồn một quan chức cấp cao chính quyền Tổng thống Donald Trump cho biết: “Ba Lan đã trình thư đề nghị mua F-35, chúng tôi đang làm việc thông qua quy trình mua bán quân sự chính thức để có thể thông qua đề nghị này”.
Vị quan chức trên cũng bác bỏ thông tin Tổng thống Trump và người đồng cấp Ba Lan Andrzej Duda sẽ tuyên bố một hợp đồng vũ khí quân sự lớn, trong đó có máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 F-35, trong chuyến thăm kéo dài 6 ngày tới Mỹ của ông Duda.
Trước đó, một nguồn tin khác tiết lộ giới chức Ba Lan đang chăm chú theo dõi cuộc tranh cãi giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến thương vụ mua hệ thống phòng không S-400 của Nga. Washington nhiều lần cảnh báo sẽ không chuyển giao F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ nếu quốc gia nằm trên hai lục địa Á-Âu này kiên quyết mua S-400.
“Ba Lan… đang xếp hàng cho những kế hoạch này. Ngay cả khi Mỹ muốn bán F-35 cho Ba Lan, trong điều kiện bình thường, Warsaw cũng không có cơ hội nhận F-35 trước Thổ Nhĩ Kỳ. Và giờ đơn giản là Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bị loại khỏi danh sách chờ”, nguồn tin chia sẻ.
Video Tổng thống Mỹ và người đồng cấp Ba Lan ngắm F-35 bay ngang qua khu vực Nhà Trắng (nguồn: VOA):
Cuối tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak cho biết ông hy vọng sẽ đẩy nhanh các cuộc đàm phán với phía Mỹ về việc bán F-35 cho Ba Lan. Đầu năm nay, quân đội Ba Lan đã đưa ra khung chương trình 48,5 tỷ USD để hiện đại hóa lực lượng vũ trang của đất nước cho đến năm 2026, thay thế các máy bay chiến đấu Su-22 và MiG-29 mùa từ thời Liên Xô bằng 32 chiếc F-35 của tập đoàn Mỹ Lockheed. Mỗi chiếc F-35 thường có mức giá rơi vào khoảng từ 94 triệu đến 122 triệu USD.
Ngày 11/6, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ lên tiếng chỉ trích nghị quyết của Hạ viện Mỹ hủy các đợt bàn giao F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ và tăng cường trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ nếu họ vẫn mua S-400 của Nga.
Thổ Nhĩ Kỳ là một quốc gia đối tác trong chương trình phát triển F-35 kể từ khi dự án bắt đầu, đảm nhiệm sản xuất một số bộ phận máy bay. Ankara được cho là nhận 120 máy bay F-35 trong vài thập kỷ tới. Lầu Năm Góc ra thời hạn cho Ankara đến cuối tháng 7 để từ bỏ thỏa thuận S-400.