F-35 của Mỹ dính đòn đầu tiên nếu Trung Quốc tung quân bài ‘đất hiếm’

Cuộc chiến thương mại diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ tạo ra một bước ngoặt đáng kể đối với Lầu Năm Góc nếu Bắc Kinh – quốc gia đi đầu trong việc cung cấp đất hiếm – thực sự áp dụng quân bài này đối với Washington như đe dọa.

Chú thích ảnh
Máy đào tại một mỏ khai thác đất hiếm ở Nội Mông, Trung Quốc. Ảnh: Reuters 

Động thái áp thuế đối với kim loại đất hiếm sẽ ảnh hưởng lớn tới quá trình sản xuất nhiều thứ: từ thiết bị quân sự cho đến các sản phẩm kỹ thuật cao.

Mẫu tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5 của Mỹ F-35 Lightning II có thể trở thành một trong những nạn nhân đầu tiên trong trường hợp Trung Quốc áp dụng “phương án hạt nhân” này.

Theo báo Bloomberg, truyền thông Trung Quốc trong thời gian gần đây liên tục nở rộ tin đồn về nguy cơ một lệnh cấm xuất khẩu đất hiếm – nguyên tố cần thiết cho quá trình sản xuất các vũ khí tối tân và sản phẩm công nghệ cao – như một đòn trả đũa lệnh áp thuế của Mỹ.

Cụ thể, mặc dù giới chức Trung Quốc chưa chính thức tuyên bố họ sẽ hạn chế các thương vụ bán đất hiếm cho Mỹ, song hàng loạt hãng tin, trong đó có Nhân dân Nhật báo, đề cập tới sự phụ thuộc của Washington đối với các nguyên tố hiếm nhập từ Trung Quốc.

80% nguồn đất hiếm Mỹ nhập khẩu trong giai đoạn từ 2014-2017 là từ Trung Quốc. Đất hiếm chứa một nhóm gồm 17 nguyên tố hóa học được sử dụng trong một loạt sản phẩm công nghệ từ thiết bị dân dụng như điện thoại thông minh, cho đến quân sự. Một số khoáng chất đất hiếm đóng vai trò vô cùng quan trọng trong các thiết bị quân sự như động cơ phản lực, hệ thống phòng thủ chống tên lửa, vệ tinh, cũng như trong máy phát laser. Ngành hàng không vũ trụ cũng phụ thuộc rất lớn vào đất hiếm.

Video giới thiệu về đất hiếm - giải pháp "hạt nhân" của Trung Quốc đối phó với Mỹ (nguồn: CBS News):

“Liệu đất hiếm trở thành vũ khí phản đòn mà Trung Quốc sẽ dùng để đối phó với sức ép từ Mỹ? Câu trả lời rất rõ ràng. Người Trung Quốc không bao giờ chấp nhận điều này. Chúng tôi khuyến cáo Mỹ không nên đánh giá thấp khả năng bảo vệ quyền lợi phát triển và lợi ích của Trung Quốc. Đừng nói chúng tôi không cảnh báo nước ngoài”, hãng tin Reuters dẫn thông tin từ bài luận có tiêu đề “Mỹ đừng nên đánh giá thấp khả năng phản đòn của Trung Quốc” đăng trên Nhân dân Nhật báo.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng giải pháp trên của Bắc Kinh sẽ gây bất lợi nhiều hơn. Năm 2010, Bắc Kinh đã từng dùng quân bài "đất hiếm" để trừng phạt Nhật Bản thách thức chủ quyền lãnh thổ của nước này trên Biển Hoa Đông. Song biện pháp trừng phạt đó chỉ kéo dài 6 tháng vì Bắc Kinh nhận thấy đây là một giải pháp không mang tới nhiều lợi ích.

Lầu Năm Góc ngày 29/5 cho biết Bộ Quốc phòng Mỹ đã đệ trình báo cáo về vấn đề đất hiếm lên Quốc hội, giữa lúc bộ này đang nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung loại khoáng sản đó từ Trung Quốc.

Theo trang web của Bộ Quốc phòng Mỹ, đạo luật này được thiết kế để “tạo lập, duy trì, bảo vệ, mở rộng hoặc khôi phục các năng lực của nền tảng công nghiệp trong nước”. Đạo luật cho phép Tổng thống Mỹ có quyền hạn rất lớn để đảm bảo các nguồn lực công nghiệp thiết yếu trong nước nhằm hỗ trợ các yêu cầu về quốc phòng và an ninh nội địa thông qua việc sử dụng các biện pháp kích thích kinh tế phù hợp.

Lầu Năm Góc không cung cấp nội dung chi tiết của báo cáo trên và hiện không rõ liệu cơ quan này có đưa thêm bất kỳ đề xuất mới nào về các ưu đãi kinh tế trong báo cáo trước Quốc hội hay không.

Căng thẳng giữa hai quốc gia leo thang khi Tổng thống Trump tuyên bố tăng gấp đôi mức thuế đối với hàng hóa nhập khẩu trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc lên 25% sau khi cáo buộc Bắc Kinh "lật lại" các cam kết mà họ đã đưa ra trong các vòng đàm phán trước đó. Trung Quốc đã trả đũa bằng cách áp mức thuế tương tự đối với các sản phẩm Mỹ trị giá 60 tỷ USD, có hiệu lực từ ngày 1/6.

Bảo Hà/Báo Tin tức
Bộ Quốc phòng Mỹ đệ trình báo cáo về vấn đề đất hiếm lên Quốc hội
Bộ Quốc phòng Mỹ đệ trình báo cáo về vấn đề đất hiếm lên Quốc hội

Lầu Năm Góc ngày 29/5 cho biết Bộ Quốc phòng Mỹ đã đệ trình báo cáo về vấn đề đất hiếm lên Quốc hội, giữa lúc bộ này đang nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung loại khoáng sản đó từ Trung Quốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN