Báo cáo trên thuộc chương trình của Đạo luật Sản xuất Quốc phòng Mục III (Defense Production Act Title III ). Theo trang web của Bộ Quốc phòng Mỹ, đạo luật này được thiết kế để “tạo lập, duy trì, bảo vệ, mở rộng hoặc khôi phục các năng lực của nền tảng công nghiệp trong nước”. Đạo luật cho phép Tổng thống Mỹ có quyền hạn rất lớn để đảm bảo các nguồn lực công nghiệp thiết yếu trong nước nhằm hỗ trợ các yêu cầu về quốc phòng và an ninh nội địa thông qua việc sử dụng các biện pháp kích thích kinh tế phù hợp.
Lầu Năm Góc không cung cấp nội dung chi tiết của báo cáo trên và hiện không rõ liệu cơ quan này có đưa thêm bất kỳ đề xuất mới nào về các ưu đãi kinh tế trong báo cáo trước Quốc hội hay không.
Đất hiếm chứa một nhóm gồm 17 nguyên tố hóa học được sử dụng trong một loạt các sản phẩm công nghệ từ thiết bị dân dụng như điện thoại thông minh, cho đến quân sự. Một số khoáng chất đất hiếm đóng vai trò vô cùng quan trọng trong các thiết bị quân sự như động cơ phản lực, hệ thống phòng thủ chống tên lửa, vệ tinh, cũng như trong máy phát laser.
Lầu Năm Góc đã nhiều lần bày tỏ quan ngại về sự phụ thuộc của Mỹ vào khoáng sản đất hiếm nhập khẩu từ Trung Quốc. Hồi năm 2018, Lầu Năm Góc cũng từng công bố một báo cáo về các lỗ hổng trong nền tảng công nghiệp quốc phòng của Mỹ và có đề cập tới vấn đề trên.
Hiện có rất ít nhà cung cấp đất hiếm có thể cạnh tranh với Trung Quốc, nơi sở hữu 37% trữ lượng khoáng sản này trên toàn cầu. Mỏ Mountain Pass tại bang California là cơ sở khai thác đất hiếm duy nhất của Mỹ vấn đang hoạt động. Nhưng công ty MP Materials, chủ sở hữu của Mountain Pass, vẫn phải chuyển khoảng 50.000 tấn đất hiếm mà mỏ trên khai thác được mỗi năm từ California sang Trung Quốc để xử lý.
Căng thẳng thương mại gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc đã làm dấy lên mối lo ngại rằng Bắc Kinh có thể sử dụng vị thế thống lĩnh trên thị trường đất hiếm để làm “đòn bẩy hay chiêu bài” đối phó với Washington. Trong giai đoạn từ năm 2004 đến 2017, Trung Quốc chiếm 80% tổng lượng nhập khẩu đất hiếm của Mỹ. Trong khi Trung Quốc cho đến nay chưa thể hiện rõ ràng rằng họ sẽ hạn chế việc bán đất hiếm cho Mỹ, truyền thông nước này thời gian gần đây đã phát đi những tín hiệu rằng động thái trên chắc chắn sẽ xảy ra.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng biện pháp trên của Bắc Kinh sẽ “lợi bất cập hại”. Năm 2010, Bắc Kinh đã từng dùng quân bài "đất hiếm" để trừng phạt Nhật Bản thách thức chủ quyền lãnh thổ của nước này. Song biện pháp trừng phạt đó chỉ kéo dài 6 tháng vì Bắc Kinh nhận thấy đây là một giải pháp không mang tới nhiều lợi ích. Trong một thế giới toàn cầu hóa, chuỗi cung ứng của các nền kinh tế thế giới ràng buộc lẫn nhau. Việc ngừng cung cấp đất hiếm cho Nhật Bản khiến dây chuyển sản xuất của chính Trung Quốc bị chững lại.
Bên cạnh đó, giới quan sát chỉ ra rằng những nhà sản xuất cần sử dụng đất hiếm đã dự trữ khoáng sản này để đề phòng những rủi ro biến động trên thị trường. Họ cũng đã tìm ra cách sử dụng ít đất hiếm hơn nhưng vẫn đạt được kết quả tương đương trong các sản phẩm như máy phát tia laser và nam châm. Ngoài ra, các khoáng chất và hóa chất khác cũng đang ngày càng được sử dụng làm chất thay thế đất hiếm.