Ngày 28/8, Bộ trưởng Tài chính Argentina Hernan Lacunza cho biết giới chức nước này đã đề nghị các quan chức IMF cân nhắc điều chỉnh thời hạn thanh toán khoản vay 56 tỷ USD. Theo ông, nếu diễn ra trước cuộc tổng tuyển cử sắp tới, dự kiến vào ngày 27/10 tới, các cuộc làm việc giữa hai bên về vấn đề này khó có thể hoàn tất trước khi chính phủ mới tại Argentina tuyên thệ vào ngày 10/12.
Bộ trưởng Lacunza nêu rõ đề nghị lùi thời thanh toán nợ nhằm cho phép chính phủ kế nhiệm chủ động triển khai các chính sách của mình mà không các hạn chế tài chính chi phối.
Theo lộ trình đã thỏa thuận, từ năm 2021, Buenos Aires sẽ bắt đầu thanh toán nợ cho IMF.
Phản ứng về thông báo của Bộ trưởng Tài chính Argentina, IMF ra tuyên bố khẳng định thể chế tài chính đa phương này sẽ "tiếp tục ủng hộ Argentina trong giai đoạn đầy thách thức hiện nay". Người phát ngôn IMF Gerry Rice cho biết IMF đang trong tiến trình thẩm định và đánh giá tác động của việc lùi thời hạn thanh toán nợ.
Các quan chức Buenos Aires đã đưa ra đề nghị trên trong các cuộc làm việc tuần này với đoàn công tác của IMF, tới Argentina để đánh giá hiệu quả thực chất khoản tín dụng đã cấp cho quốc gia Nam Mỹ. Theo ông Rice, IMF nhận định các cuộc gặp rất "hữu ích". Theo kế hoạch, vào tháng tới, thể chế này sẽ tiếp tục giải ngân 5,4 tỷ USD tín dụng hỗ trợ Argentina.
Trong khi đó, kinh tế xuống dốc, đời sống khó khăn khiến nhiều người dân xuống đường tuần hành trong thời gian qua. Theo phóng viên TTXVN tại Argentina, từ sáng sớm 28/8, đoàn người tập trung tuần hành tại nhiều địa phương khắp cả nước hướng về thủ đô Buenos Aires với khẩu hiệu “Khẩn cấp đối phó với nạn đói”.
Liên đoàn Lao động của nền kinh tế nhân dân (CTEP), tổ chức phát động biểu tình, đã kêu gọi chính phủ đưa ra luật khẩn cấp về lương thực, gia hạn hỗ trợ xã hội và tăng mức lương hưu tối thiểu cho người dân. Các tổ chức xã hội khác đề nghị chính phủ của Tổng thống Mauricio Macri tăng 50% mức hỗ trợ xã hội bổ sung theo tỷ lệ tương đương lương tối thiểu và tiếp tục thực hiện các chương trình phúc lợi.
Argentina đang trải qua giai đoạn suy thoái kinh tế nghiêm trọng, đặc biệt là thị trường tài chính tiền tệ thường xuyên biến động bất thường khiến tỷ lệ lạm phát tăng cao, sức tiêu thụ ngày một suy giảm.
Sau cuộc bầu cử tổng thống sơ bộ hôm 11/8 với chiến thắng thuộc nghiêng về ứng cử viên cánh tả trước, ông Alberto Fernandez, đồng nội tệ peso của Argentina đã lao dốc liên tục và mất giá tới 21% giá trị sau 5 phiên giao dịch, bất chấp sự can thiệp của Ngân hàng Trung ương Argentina, trong khi thị trường chứng khoán cũng giảm tới 30%.
Hai tuần trước, các hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế Fitch và S&P đã hạ bậc xếp hạng tín nhiệm của Argentina lần lượt từ mức "B" xuống mức "CCC"- mức có nguy cơ vỡ nợ hoặc phải cơ cấu lại một số khoản nợ - và từ mức "B" xuống mức "B-".
Tỷ lệ lạm phát tại Argentina lên tới gần 50% trong năm 2018 và 22% trong 6 tháng đầu năm nay. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ nghèo đói cũng liên tục gia tăng với các mức tương ứng là 10,1% và 32%.