Ngoại trưởng Argentina, Héctor Timerman, ngày 31/1 đã bác bỏ đề xuất của người đồng cấp Anh, William Hague, tổ chức một cuộc gặp giữa hai bộ trưởng tại London cùng hai thành viên của Hội đồng lập pháp của quần đảo Malvinas đang tranh chấp giữa hai nước.
Tổng thống Argentina, Cristina Fernández, giơ cao tấm biển có bản đồ Malvinas. Ảnh: Internet |
Trước đó, ngày 30/1, ông Hague đề nghị họp với ông Timerman cùng đại diện của quần đảo Malvinas mà Anh gọi là Falklands nhân dịp Ngoại trưởng Argentina tới London tuần tới để gặp các nhân sĩ của 18 nước châu Âu ủng hộ Buenos Aires trong cuộc đấu tranh đòi chủ quyền đối với vùng lãnh thổ nằm tại Nam Đại Tây Dương này.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Timerman phản đối ý định của ông Hague kéo đại diện của Malvinas tham gia cuộc gặp, vì Argentina không công nhận đại diện của quần đảo này là một bên đối thoại.
Trong một bức thư, Bộ trưởng Timerman cho biết ông lấy làm tiếc trước việc ông Hague từ chối gặp tay đôi, đồng thời chỉ rõ điều này sẽ ảnh hưởng tới mối quan tâm của Buenos Aires hợp tác với London tại nhóm G-20 và Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, về các vấn đề như ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân, buôn người, buôn lậu ma túy, rửa tiền, đầu tư, thương mại, nhân quyền...
Bộ trưởng tố cáo Anh làm ngơ trước việc Đại hội đồng và Ủy ban phi thực dân hóa của Liên hợp quốc (LHQ) đã thông qua nhiều nghị quyết kêu gọi Anh và Argentina giải quyết tranh chấp biển đảo thông qua đối thoại song phương.
Sau khi đề nghị ông Hague không bố trí các cuộc gặp của ông trong thời gian ông có mặt tại London và để việc đó cho Đại sứ quán Argentina tại Anh, Ngoại trưởng Timerman mời ông Hague tới Argentina để để hội đàm tay đôi.
Quan hệ giữa hai nước trở nên căng thẳng trong bối cảnh trong tháng 3 tới, khoảng 3.000 người dân Malvinas sẽ tham gia một cuộc trưng cầu ý dân để quyết định quần đảo có tiếp tục mang quy chế là một trong những vùng lãnh thổ của Anh ở hải ngoại hay không.
Từ năm 1965, LHQ đã thông qua nhiều nghị quyết kêu gọi hai bên đàm phán giải quyết bất đồng. Thế nhưng London luôn từ chối thương thuyết với lý do tôn trọng quyền và nguyện vọng của người dân trên quần đảo là lãnh thổ này thuộc chủ quyền của Anh.
Tuy nhiên, Argentina phản đối lập luận trên, vì sau khi chiếm đóng Malvinas năm 1833, Anh đã trục xuất người Argentina và đưa người Anh tới sinh sống nên nguyện vọng trên chỉ là nguyện vọng của những “kẻ thực dân”.
Gần 31 năm trước, ngày 2/4/1982, Argentina cho quân đổ bộ lên Malvinas với mong muốn giành lại quần đảo, song đã thất bại. Cuộc chiến kéo dài 74 ngày này đã khiến hơn 900 binh lính bị thiệt mạng, trong đó phần lớn là binh sĩ của Argentina.
Quang Sơn (P/v TTXVN tại Argentina)