Hãng BBC (Anh) đưa tin, hôm 30/7, Quốc hội Ấn Độ đã phê chuẩn một dự luật quy định những người áp dụng hủ tục “ly hôn tức thì” là một hành vi phạm tội. Theo luật mới, đàn ông bị phát hiện vi phạm có thể bị phạt tù đến 3 năm. Dự luật này trước đó cũng được nêu ra trước Thượng viện năm 2017 nhưng sau đó bị hoãn lại vì một số nghị sĩ cho rằng điều này không công bằng.
“Ba lời talaq” là một tục lệ cho phép người chồng ly dị vợ chỉ bằng cách nói hoặc viết lặp lại từ “talaq” (ly hôn trong tiếng Ấn Độ) ba lần dưới mọi hình thức, bao gồm cả email hay tin nhắn văn bản.
Đảng cầm quyền Bharatiya Janata (BJP) ủng hộ dự luật, trong khi Đảng Quốc đại đối lập lại phản đối. Thượng viện đã thông qua dự luật với 99 phiếu ủng hộ. Không ít nghị sĩ đã bỏ phiếu trắng. Thủ tướng Narendra Modi hoan nghênh động thái trên, coi đây là “chiến thắng của sự bình đẳng giới”.
Tòa án Tối cao Ấn Độ tuyên bố hành vi này là trái với hiến pháp. Những người ủng hộ luật này cho rằng qui định mới sẽ giúp bảo vệ người phụ nữ. Tuy nhiên, nhiều người phản đối coi đây là hình phạt khắc nghiệt.
Ông Asaduddin Owaisi, một nghị sĩ thuộc đảng đối lập All India Majlis-e-Ittehadul Muslimeen cho rằng đạo luật mới này là một cuộc tấn công vào bản sắc Hồi giáo dưới quyền lực của Đảng nắm quyền BJP từ năm 2014.
Trước khi được thông qua, đã có nhiều ông chồng ở Ấn Độ ly dị vợ chỉ bằng cách viết từ “talaq” qua thư, nói qua điện thoại và bằng cả tin nhắn văn bản. Nhiều người phụ nữ đã phải đến tòa án phụ nữ để đòi công bằng cho mình vì phong tục này.
“Ly hôn tức thì” chỉ bằng ba lần nói “talaq” vốn không được đề cập trong luật Hồi giáo Sharia hay Kinh Koran, song trên thực tế hành vi này đã tồn tại từ nhiều thập kỷ. Các học giả Hồi giáo cho biết Kinh Koran cũng giải thích rõ ràng cách để giải quyết một vụ ly hôn, điều này phải được suy ngẫm và hòa giải trong thời gian kéo dài 3 tháng.
Hầu hết các quốc gia Hồi giáo như Ai Cập, Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, Pakistan và Bangladesh đã cấm tục “ly hôn tức thì”, nhưng vẫn được thực hiện tại Ấn Độ vì quốc gia này không có luật hôn nhân rõ ràng và chấp thuận ly hôn cho mọi công dân.