Ấn Độ cam kết tăng công suất sản xuất vaccine

Ấn Độ cam kết sẽ nâng sản lượng hằng tháng của vaccine Covaxin ngừa bệnh COVID-19, do hãng dược phẩm Bharat Biotech của nước này phát triển, gấp khoảng 10 lần lên mức gần 100 triệu liều vào trước tháng 9.

Chú thích ảnh
Viện Huyết thanh Ấn Độ đang khẩn trương tham gia cuộc đua bào chế vaccine phòng COVID-19. Ảnh minh họa: Reuters

Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh tốc độ tiêm phòng COVID-19 hằng ngày tại nước này đã giảm dần khi số ca nhiễm mới không ngừng tăng.

Trong một tuyên bố ngày 16/4, Bộ Khoa học và Công nghệ Ấn Độ khẳng định sản lượng vaccine Covaxin sẽ tăng gấp đôi vào tháng 5 và 6 tới, sau đó sẽ tăng gần gấp 6 - 7 lần trong hai tháng tiếp theo. Theo bộ trên, chính phủ sẽ hỗ trợ 17 triệu USD nhằm gia tăng sản lượng vaccine Covaxin.

Thống kê cho thấy nếu trong ngày 5/4, lượng tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 của Ấn Độ đạt khoảng 4,5 triệu liều/ngày, thì sau đó giảm xuống mức trung bình khoảng 3 triệu liều/ngày. Nguyên nhân là nguồn cung vaccine hạn chế và công ty sản xuất trong nước đang phải hối thúc Mỹ chấm dứt lệnh cấm xuất khẩu nguyên liệu.

Vaccine của AstraZeneca do Viện Serum của Ấn Độ (SII) sản xuất chiếm tới 91% trong số 115,5 triệu liều vaccine được sử dụng tại nước này. Tuy nhiên, hoạt động của SII, nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, đã bị chững lại do thiếu hụt nguyên liệu. Sau khi các nỗ lực ngoại giao không đem lại kết quả, Giám đốc SII Adar Poonawalla đã trực tiếp kêu gọi Tổng thống Mỹ Joe Biden chấm dứt việc hạn chế nguồn cung, vốn nhằm mục đích hỗ trợ các công ty sản xuất vaccine của Mỹ.

* Cùng ngày, Chính phủ Chile thông báo vaccine CoronaVac ngừa COVID-19, do hãng dược phẩm Sinovac bào chế, đạt hiệu quả 67%.

Theo nghiên cứu thực tế đầu tiên trên thế giới, vaccine CoronaVac có thể ngăn chặn nguy cơ nhập viện tới 85% và ngăn chặn nguy cơ tử vong tới 80%. Để đi đến kết luận trên, Chile đã nghiên cứu trên 10,5 triệu người, bao gồm cả những người đã được tiêm phòng và những người chưa được tiêm.

Việc công bố dữ liệu về vaccine CoronaVac đưa Chile trở thành một trong số ít các nước, trong đó có Anh và Israel, thông qua chiến dịch tiêm chủng để thu thập, đánh giá hiệu quả của vaccine ngoài các cuộc thử nghiệm lâm sàng.

Đầu tháng 1 vừa qua, các nhà nghiên cứu Brazil đã chỉ ra vaccine CoronaVac đạt hiệu quả 78% trong các cuộc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối. Indonesia cũng đã phê duyệt việc lưu hành vaccine khẩn cấp dựa trên các dữ liệu tạm thời, theo đó, vaccine đạt hiệu quả 65%.

Thử nghiệm tại Thổ Nhĩ kỳ cho thấy vaccine CoronaVac đạt hiệu quả 83,5% trong việc ngăn chặn các ca lây nhiễm virus SARS-CoV-2 có triệu chứng và 100% trong việc ngăn ngừa bệnh nặng và nhập viện.

Ngày 16/4, Thủ tướng Angela Merkel, 66 tuổi, đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm AstraZeneca. Trong một tuyên bố, bà khẳng định "vaccine là chìa khóa để vượt qua đại dịch". Trước đó, cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz cũng đã được tiêm phòng vaccine của AstraZeneca.
Ngọc Hà (TTXVN)
Nga chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine Sputnik V cho Hàn Quốc
Nga chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine Sputnik V cho Hàn Quốc

Công ty ISU Abxis của Hàn Quốc ngày 15/4 thông báo về thỏa thuận với Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) về việc chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine Sputnik V của Nga cho các công ty Hàn Quốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN