Nga đạt thỏa thuận sản xuất vaccine Sputnik V tại 10 nước

Giám đốc Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) Kirill Dmitriev cho biết nước này đã đạt thỏa thuận với 20 nhà sản xuất tại 10 quốc gia để sản xuất vaccine Sputnik V ngừa COVID-19. RDIF là đơn vị phụ trách quảng bá sản phẩm này ra nước ngoài.

Chú thích ảnh
Vaccine Sputnik V ngừa COVID-19 của Nga. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong cuộc họp với Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Dmitriev cho biết cả Ấn Độ và Hàn Quốc đều đang sản xuất vaccine Sputnik V và phần lớn các hãng trong số 20 nhà sản xuất sẽ đạt công suất tối đa trong tháng 4.

Theo RDIF, ước tính có 58 quốc gia trên thế giới cấp phép sử dụng vaccine Sputnik V. Vaccine này được đăng ký tại Nga từ tháng 8/2020 trước khi được đưa vào thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn. Mức độ an toàn và hiệu quả của vaccine lên tới 90% đã được tạp chí y dược hàng đầu The Lancet công nhận và đăng tải.

* Ngày 2/4, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis tuyên bố nước này sẽ tăng gấp đôi tốc độ tiêm phòng COVID-19 trong những tuần tới và tiến tới tiêm chủng cho tất cả những người trên 60 tuổi vào cuối tháng 5.

Trong bài phát biểu trước Quốc hội, Thủ tướng Mitsotakis đã hoan nghênh chương trình đặt mua chung vaccine của Ủy ban châu Âu (EC), vốn hỗ trợ cho những nước nhỏ hơn như Hy Lạp. Tuy nhiên, chương trình này lại không cung cấp đủ số lượng cần thiết và bàn giao vaccine đúng hạn cho các nước thành viên.

Do hãng dược phẩm AstraZeneca chậm trễ trong việc bàn giao vaccine cho EU, Thủ tướng Mitsotakis cho rằng EU có trách nhiệm sử dụng mọi công cụ pháp lý để buộc các công ty đã ký thỏa thuận với khối phải tôn trọng các nghĩa vụ trong hợp đồng, bao gồm việc cấm xuất khẩu. Ông cũng ủng hộ đề xuất của EC về việc chặn xuất khẩu vaccine cho đến khi AstraZeneca cung cấp đủ số hàng cam kết với EU.

Trong bối cảnh du lịch mùa hè đang tới gần, lĩnh vực đóng vai trò quan trọng với kinh tế Hy Lạp, chính phủ nước này đang phải đẩy nhanh chiến dịch xét nghiệm với việc sử dụng các bộ xét nghiệm tại nhà để khống chế dịch. Thủ tướng Mitsotakis cho biết trong những tuần tới, chính phủ sẽ tăng cường chiến dịch tiêm phòng.

Cho đến nay, Hy Lạp đã tiêm phòng được 1,7 triệu liều vaccine và sẽ tiêm thêm 1,5 triệu liều vào cuối tháng 4. Mục tiêu của Hy Lạp là từ này đến cuối tháng 5 có thể đảm bảo tiêm phòng ít nhất một mũi cho toàn bộ những người trên 60 tuổi.

Theo thống kê, Hy Lạp đã phát hiện tổng cộng hơn 267.000 ca nhiễm và 8.160 ca tử vong do COVID-19.

* Cùng ngày, Thủ tướng Bulgaria Boyko Borissov xác nhận nước này sẽ nhận được thêm hơn 1,2 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer/BioNTech trong quý II năm nay.

Trước đó, phần lớn các nước thành viên EU đã nhất trí chia sẻ 10 triệu liều vaccine của Pfizer/BioNTech cho Bulgaria, Croatia, Estonia, Latvia và Slovakia, những nước đang cần nhất. Bulgaria hiện có tốc độ tiêm phòng chậm nhất EU khi mới nhận được 1,26 triệu liều trong tổng số 2,85 triệu liều vaccine được chia sẻ. Thủ tướng Borissov đánh giá đây là thông tin tích cực, phản ánh sự đoàn kết giữa các nước thành viên.  

Theo thống kê, cho đến nay, Bulgaria đã phát hiện tổng cộng 346.327 ca nhiễm và 13.313 ca tử vong do COVID-19.

Đặng Ánh (TTXVN)
Chuyên gia đánh giá phản ứng phụ từ vaccine COVID-19 không đáng lo ngại
Chuyên gia đánh giá phản ứng phụ từ vaccine COVID-19 không đáng lo ngại

Các bác sĩ cho biết phản ứng phụ từ việc tiêm vaccine phòng COVID-19 thường không kéo dài và người tiêm không nên quá hoảng loạn. Trên thực tế, đây là dấu hiệu cho thấy hệ miễn dịch của người tiêm đã hoạt động theo đúng hướng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN