Theo RDIF, cơ quan đang tiếp thị vaccine Sputnik V ra toàn cầu, hoạt động sản xuất thương mại vaccine này dự kiến bắt đầu vào tháng 5 tới.
RDIF cho biết tới nay đã có 52 quốc gia trên thế giới cấp phép sử dụng vaccine Sputnik V. Vaccine này được đăng ký tại Nga từ tháng 8/2020 trước khi được đưa vào thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn. Mức độ an toàn và hiệu quả của vaccine lên tới 90% đã được tạp chí y dược hàng đầu The Lancet công nhận và đăng tải.
Hiện Cơ quan dược phẩm của Liên minh châu Âu (EMA) đang phân tích dữ liệu hiện có về tính an toàn và hiệu quả của vaccine Sputnik V. Trong khi đó, các nhà phát triển vaccine Nga thông báo họ đã đạt được thỏa thuận sản xuất tại các quốc gia quan trọng của EU, gồm Đức, Pháp, Italy và Tây Ban Nha.
Việc EU phê duyệt Sputnik V sẽ đánh dấu bước ngoặt thay đổi quan điểm đối với loại vaccine của Nga. Các thành viên EU là Hungary và Slovakia đã mua Sputnik V trong thời gian chờ đợi quyết định cấp phép sử dụng vaccine này từ EU. Trong tuyên bố mới nhất, người phát ngôn của Thủ tướng Đức Angela Merkel, ông Steffen Seibert cũng khẳng định sẽ dụng vaccine Sputnik V của Nga nếu sản phẩm này được EMA phê duyệt.
* Cùng ngày, Nhật Bản đã tiếp nhận lô vaccine thứ 7 của hãng Pfizer gồm 705.510 liều trong bối cảnh quốc gia Đông Bắc Á này tiếp tục tiêm chủng cho lực lượng y tế trong giai đoạn đầu tiên của chương trình tiêm chủng.
Lô vaccine này được sản xuất tại một nhà máy của hãng Pfizer ở Bỉ, đã tới sân bay Narita gần thủ đô Tokyo. Với lô vaccine mới nhất này, Nhật Bản trong tháng này đã tiếp nhận khoảng 2,33 triệu liều vaccine. Nhật Bản hy vọng nhận được khoảng 6,13 triệu liều vaccine trong tháng 4.
Số lượng vaccine giao cho Nhật Bản trong tháng 5 dự kiến sẽ cao hơn nhờ hoạt động sản xuất vaccine được tăng cường ở châu Âu cho dù số lượng vaccine xuất khẩu vẫn cần phải được Liên minh châu Âu (EU) thông qua.
Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã cam kết đảm bảo đủ vaccine ngừa COVID-19 để tiêm chủng cho 126 triệu dân của nước này trong 6 tháng đầu năm 2021.