Trong tuyên bố được truyền thông Ấn Độ đăng tải, ông Modi nêu rõ chỉ bằng cách cùng nhau hành động thế giới mới có thể giải quyết được những thách thức lớn nhất đang phải đối mặt - bao gồm biến đổi khí hậu, khủng bố và các đại dịch.
Thủ tướng Modi cũng cho biết Ấn Độ sẽ thúc đẩy “phi chính trị hóa” vấn đề nguồn cung lương thực, phân bón và các sản phẩm y tế của thế giới để các căng thẳng địa chính trị không gây gián đoạn hoạt động toàn cầu. Ấn Độ sẽ xác định các mục tiêu ưu tiên của G20 dựa trên tham vấn với các đối tác của G20 cũng như các nước tại khu vực Nam bán cầu. Ông nhấn mạnh Ấn Độ "sẽ khuyến khích một cuộc đối thoại thẳng thắn giữa các nước hùng mạnh nhất về vấn đề giảm thiểu những rủi ro do vũ khí hủy diệt gây ra và cải thiện an ninh toàn cầu".
Tháng trước, Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra trong 2 ngày tại thành phố Bali của Indonesia đã tập trung vào một số vấn đề nổi bật, trong đó có cuộc xung đột Nga - Ukraine và mục tiêu khống chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở 1,5 độ C.
Từ ngày 1/12, Ấn Độ chính thức bắt đầu đảm nhận cương vị Chủ tịch G20 trong 1 năm. Theo các phương tiện truyền thông địa phương, Ấn Độ sẽ tổ chức hơn 200 cuộc họp G20 trên cả nước bắt đầu từ tháng 12. Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Ấn Độ sẽ diễn ra vào ngày 9 - 10/9/2023.