Theo kênh CNBC ngày 17/11, Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) diễn ra trong bối cảnh xung đột ở Ukraine đã gây ra tình trạng lạm phát toàn cầu cao kỷ lục, tạo khó khăn lớn cho các nhà hoạch định chính sách và dẫn tới cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt nghiêm trọng.
Hội nghị cấp cao APEC năm nay diễn ra sau các cuộc họp trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN tại Phnom Penh (Campuchia) và G20 tại Bali (Indonesia). Đây có thể là cơ hội cuối cùng trong một loạt nỗ lực ngoại giao gần đây ở khu vực này nhằm cố gắng tìm kiếm đồng thuận giữa các nhà lãnh đạo thế giới, đảm bảo con đường hướng tới các cuộc đàm phán hòa bình giữa các bên liên quan.
Ông Kasemsit Pathosak, Giám đốc điều hành của Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC đã nói lên mong muốn của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp: “Làm thế nào để chúng ta đưa tất cả các bên trong cuộc xung đột ở đây vào bàn đàm phán và cố gắng tìm ra giải pháp? Chúng ta cần đạt được điều này càng sớm càng tốt”.
Ngày 17/11, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói: “Người dân ở mọi nền kinh tế APEC đang phải vất vả với những thách thức kinh tế toàn cầu vốn đã trở nên trầm trọng hơn do chiến dịch quân sự của Nga. Cùng nhau giải quyết những hậu quả đó là trọng tâm chính trong các cuộc họp của chúng tôi tại Bangkok. Thái Lan đã thể hiện vai trò lãnh đạo đặc biệt trong việc chèo lái APEC vượt qua giai đoạn đầy thách thức”.
Theo CNBC, ít có khả năng có bước đột phá ngoại giao về vấn đề Ukraine. Các bên liên quan chính như Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ không tham dự APEC, mặc dù Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi có mặt.
Thêm vào đó, các cuộc họp cấp bộ trưởng APEC trước thềm hội nghị đã không đưa ra được tuyên bố chung hoặc thông cáo chung nêu rõ quan điểm về Ukraine. Nga, Trung Quốc và Ấn Độ là các thành viên của khối 21 nền kinh tế này.
Tuy vậy, Ngoại trưởng Thái Lan Don Pramudwinai vẫn lạc quan. Trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên hợp quốc vào tháng 9, ông gọi các hội nghị cấp cao ASEAN, G20 và APEC sắp tới là địa điểm cho một kiểu ngoại giao cuốn chiếu và là cơ hội vàng cho tất cả các bên liên quan chính trong cuộc khủng hoảng Ukraine.
Theo ông Pramudwinai, các cuộc họp cấp cao có thể là một đường tắt hoặc lối thoát tiềm năng đối với cuộc khủng hoảng toàn cầu căng thẳng ở Ukraine.
APEC đang trở thành nền tảng cho cú hích ngoại giao cuối cùng khi mọi con mắt đang hướng về khối này để xem APEC có thể đưa ra tuyên bố chung tiến gần đến quan điểm thống nhất về Ukraine hay không.
APEC năm 2022 diễn ra sau khi vừa xảy ra vụ rơi tên lửa ở Ba Lan khiến hai người chết. Trong khi Mỹ và phương Tây cho rằng vụ việc do tên lửa của Ukraine gây ra trong quá trình bắn hạ tên lửa Nga, thì Ukraine đã bác bỏ. Trước đó, Nga khẳng định không liên quan vụ việc.