Lãnh đạo các nước nói gì về Nga và Ukraine tại hội nghị G20

Các nhà lãnh đạo thế giới đã đề cập nhiều tới chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine khi họ tới Bali (Indonesia) dự cuộc họp cấp cao G20.

Theo kênh Al Jazeera, khi hội nghị cấp cao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới khai mạc vào ngày 15/11, nước chủ nhà Indonesia đã kêu gọi đoàn kết bất chấp những rạn nứt trong G20 về cuộc xung đột. Tuy nhiên, các bên đều có quan điểm riêng về vấn đề này.

Ukraine

Chú thích ảnh
Tổng thống Volodymyr Zelensky trong bài phát biểu qua video trước các nhà lãnh đạo G20 ở Bali, Indonesia ngày 15/11. Ảnh: Văn phòng Tổng thống Ukraine

Trong bài phát biểu qua video, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kêu gọi các nhà lãnh đạo G20 thông qua kế hoạch hòa bình 10 điểm mà ông đề xuất và chấm dứt cuộc xung đột một cách hợp lý và trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.

Ông nói: “Không nên đề xuất Ukraine ký kết các thỏa hiệp ảnh hưởng tới lương tâm, chủ quyền, lãnh thổ và độc lập. Chúng tôi tôn trọng các quy tắc và chúng tôi là những người giữ lời hứa”.

Ông Zelensky từ chối mọi cuộc đàm phán tương tự các thỏa thuận giữa Ukraine và Nga vào năm 2014 sau khi Nga sáp nhập Crimea và ủng hộ lực lượng đòi độc lập ở miền đông.

Trong bài phát biểu, ông Zelensky cũng kêu gọi trả tự do cho tất cả các tù nhân chiến tranh Ukraine, khôi phục an toàn về bức xạ tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia do Nga kiểm soát ở đông nam Ukraine, đưa ra hạn chế về giá đối với các nguồn năng lượng Nga và gia hạn thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc ở Biển Đen mà Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian.

Nga

Chú thích ảnh
Ngoại trưởng Nga tại hội nghị G20. Ảnh: AFP

Về phần mình, sau bài phát biểu của ông Zelensky, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã cáo buộc Ukraine kéo dài cuộc xung đột.

Phát biểu với các phóng viên bên lề hội nghị G20, ông Lavrov nói rằng Ukraine từ chối đàm phán với Nga và đã đưa ra những điều kiện hòa bình phi thực tế.

Ông Lavrov cũng cho biết việc gia hạn thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc ở Biển Đen sau khi thỏa thuận này hết hạn vào ngày 19/11 sẽ phụ thuộc vào việc các bên dỡ bỏ trở ngại trong xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Nga.

Nga từ lâu đã phàn nàn về các rào cản xuất khẩu các mặt hàng này mặc dù chúng không bị trừng phạt trực tiếp.

Indonesia

Chú thích ảnh
Tổng thống Indonesia Joko Widodo phát biểu tại Bogor. Ảnh: AFP/TTXVN

Với tư cách là chủ nhà G20 lần này, Tổng thống Indonesia Joko Widodo kêu gọi đoàn kết khi khai mạc hội nghị: “Chúng ta không có lựa chọn nào khác, cần thiết phải hợp tác để cứu thế giới. G20 phải là chất xúc tác để phục hồi kinh tế toàn diện. Chúng ta không nên chia thế giới thành nhiều phần. Chúng ta không được để thế giới rơi vào một cuộc chiến tranh lạnh khác”.

Ông Joko Widodo nhấn mạnh: “Có trách nhiệm nghĩa là tạo ra những tình huống không gây hại cho ai, có trách nhiệm ở đây cũng có nghĩa là chúng ta phải chấm dứt cuộc xung đột. Nếu xung đột không kết thúc, thế giới sẽ khó tiến lên phía trước”.

Indonesia đã đưa ra quan điểm thận trọng về cuộc xung đột ở Ukraine. Nước này chủ yếu tập trung vào các vấn đề mất an ninh lương thực và năng lượng.

Mỹ

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại cuộc gặp trước thềm G20 ở Bali, Indonesia ngày 14/11. Ảnh: AFP/TTXVN

Bên lề hội nghị cấp cao G20 ngày 14/11, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhắc lại điều mà hai bên thống nhất là chiến tranh hạt nhân không bao giờ được xảy ra.

Thông báo của Nhà Trắng cho biết thêm hai nhà lãnh đạo đã nhấn mạnh rằng họ phản đối sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine.

Mỹ là đồng minh mạnh nhất của Ukraine, trong khi Trung Quốc có quan hệ mật thiết với Nga.

Trung Quốc

Trong khi đó, Chủ tịch Tập Cận Bình không đề cập trực tiếp đến cuộc xung đột ở Ukraine trong bài phát biểu trước cuộc họp G20 mà trong đó ông kêu gọi tăng cường đoàn kết toàn cầu.

Ông nói: “Điều cấp thiết là tất cả các quốc gia phải đi theo tầm nhìn về một cộng đồng với tương lai chung của nhân loại, ủng hộ hòa bình, phát triển và hợp tác cùng có lợi. Chia rẽ và đối đầu không phục vụ lợi ích của bất kỳ ai. Chỉ có đoàn kết và cùng phát triển mới là sự lựa chọn đúng đắn”.

Trung Quốc đã kêu gọi hòa bình trong suốt cuộc xung đột, nhưng một quan chức nước này hồi tháng 8 đã cáo buộc Mỹ là bên khuyến khích cuộc xung đột.

Nga và Trung Quốc đã ký quan hệ đối tác không giới hạn chỉ vài ngày trước khi cuộc xung đột nổ ra ở Ukraine. Nga đã tìm cách củng cố mối quan hệ kinh tế, chính trị chặt chẽ hơn với Trung Quốc trước các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Ấn Độ

Chú thích ảnh
Tổng thống Indonesia Joko Widodo (phải) chuyển giao cương vị Chủ tịch G20 cho Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, tại lễ bế mạc Hội nghị G20 ở Bali (Indonesia) ngày 16/11. Ảnh: AFP/TTXVN

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi kêu gọi các nhà lãnh đạo G20 quay trở lại con đường ngoại giao để chấm dứt chiến tranh. Ông nói trong bài phát biểu tại lễ khai mạc: “Chúng ta phải tìm cách quay trở lại con đường ngừng bắn và ngoại giao ở Ukraine. Điều cần thiết lúc này là thể hiện quyết tâm cụ thể và mang tính tập thể để đảm bảo hòa bình, hài hòa và an ninh trên thế giới”.

Ông Modi cho rằng không nên hạn chế nguồn cung cấp năng lượng và kêu gọi bảo vệ thị trường khí đốt và thực phẩm toàn cầu.

Nga là nhà sản xuất và xuất khẩu năng lượng cũng như phân bón hàng đầu. Ukraine là một trong những nhà sản xuất thực phẩm hàng đầu thế giới.

Đức

Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết ngày càng có nhiều đồng thuận tại cuộc họp G20 rằng cuộc xung đột ở Ukraine là không thể chấp nhận được và vũ khí hạt nhân không được sử dụng.

Ông Scholz nói ông sẽ tiếp tục đối thoại trực tiếp với Tổng thống Nga Vladimir Putin nhằm tìm kiếm giải pháp chấm dứt cuộc xung đột.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Tổng thống Ukraine đề xuất kế hoạch hòa bình 10 điểm tại Hội nghị G20
Tổng thống Ukraine đề xuất kế hoạch hòa bình 10 điểm tại Hội nghị G20

Tổng thống Volodymyr Zelensky đề xuất kế hoạch hòa bình 10 điểm nhằm chấm dứt cuộc xung đột tại Ukraine trong bài phát biểu qua video ngay ngày khai mạc Hội nghị thượng đỉnh G20.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN