Tổng thống Ukraine đề xuất kế hoạch hòa bình 10 điểm tại Hội nghị G20

Tổng thống Volodymyr Zelensky đề xuất kế hoạch hòa bình 10 điểm nhằm chấm dứt cuộc xung đột tại Ukraine trong bài phát biểu qua video ngay ngày khai mạc Hội nghị thượng đỉnh G20.

Chú thích ảnh
Tổng thống Volodymyr Zelensky trong bài phát biểu qua video trước các nhà lãnh đạo G20 ở Bali, Indonesia ngày 15/11. Ảnh: Văn phòng Tổng thống Ukraine

Tổng thống Volodymyr Zelensky đã trình bày một kế hoạch hòa bình gồm 10 điểm nhằm chấm dứt cuộc xung đột Nga - Ukraine trong một bài phát biểu qua video trước các nhà lãnh đạo G20 ở Bali (Indonesia) ngày 15/11. Thông tin này được CNN trích dẫn từ bản ghi bài phát biểu do Đại sứ quán Ukraine tại Indonesia cung cấp.

Các bước đi trong kế hoạch nói trên bao gồm: An toàn bức xạ và hạt nhân; An toàn thực phẩm; An ninh năng lượng; Trả tự do cho tù nhân và người bị trục xuất; Thực hiện Hiến chương Liên hợp quốc; Rút quân đội Nga và chấm dứt chiến sự; Lập tòa án đặc biệt xét xử các tội ác chiến tranh; Bảo vệ môi trường; Ngăn ngừa leo thang; Ký kết hiệp ước kết thúc chiến tranh.

Ông Zelensky kêu gọi các nhà lãnh đạo G20 sử dụng tất cả quyền lực của mình để "khiến Nga từ bỏ các mối đe dọa hạt nhân" và áp đặt trần giá đối với năng lượng nhập khẩu từ Moskva.

Trong bài phát biểu, Tổng thống Zelensky đã so sánh việc giải phóng thành phố Kherson ở miền nam Ukraine gần đây với các trận chiến dẫn đến thất bại của Đức trong Thế chiến thứ hai.

“Nó giống như D-Day - cuộc đổ bộ của quân Đồng minh ở Normandy. Đó vẫn chưa phải là điểm cuối cùng trong cuộc chiến chống lại cái ác, nhưng nó đã quyết định toàn bộ diễn biến tiếp theo của các sự kiện”, ông Zelensky nói trong bài phát biểu.

“Nếu chiến thắng sẽ thuộc về chúng tôi trong bất kỳ trường hợp nào, và chúng tôi chắc chắn về điều đó, thì chẳng phải chúng ta nên cố gắng thực hiện công thức hòa bình của mình để cứu hàng nghìn sinh mạng và bảo vệ thế giới khỏi sự bất ổn hơn nữa hay sao?” - nhà lãnh đạo nói tiếp.

Ông Zelensky cũng kêu gọi Nga ngừng ném bom cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine khi mùa Đông đến gần.

Chú thích ảnh
Các nhà lãnh đạo thế giới trong phiên họp về an ninh lương thực và năng lượng tại Hội nghị thượng đỉnh G20, ngày 15/11 ở Indonesia. Ảnh: Getty Images

Trong khi đó, theo đài RT (Nga), qua bài phát biểu gửi tới Hội nghị G20, nhà lãnh đạo Ukraine khẳng định xung đột phải kết thúc “công bằng” và trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc. Ukraine “không nên thỏa hiệp về chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và độc lập của mình”.

“Rõ ràng, lời nói của Nga không thể tin cậy được và sẽ không có [thỏa thuận] Minsk-3 nào mà Nga sẽ vi phạm ngay sau khi ký kết”, RT dẫn tuyên bố của ông Zelensky tuyên bố và cho biết, chính phủ Ukraine đã chuẩn bị một bản dự thảo của một hiệp ước mới, được gọi là “Hiệp ước An ninh Kiev”.

Khi được yêu cầu bình luận về bài phát biểu của ông Zelensky, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, việc Tổng thống Ukraine bác bỏ định dạng Minsk “hoàn toàn khẳng định” việc Kiev không sẵn lòng đàm phán với Moskva.

Hiệp định Minsk-1 và Minsk-2 đã được ký kết vào năm 2014 và 2015 qua vai trò trung gian của Đức, Pháp và Nga. Hai thỏa thuận này được thiết kế để chấm dứt cuộc giao tranh giữa Kiev và Cộng hòa Donetsk và Lugansk tự xưng bằng cách trao cho họ vị thế đặc biệt trong nhà nước Ukraine.

Đài CNN cho biết, cũng trong bài phát biểu qua video, Tổng thống Zelensky đã đề xuất một cuộc trao đổi toàn bộ tù nhân “tất cả lấy tất cả” (all for all) với Nga.

“Hàng nghìn người dân của chúng tôi - quân nhân và thường dân - đang bị giam cầm… Chúng ta phải trả tự do cho tất cả những người này… chúng ta phải đoàn kết vì lợi ích của mô hình thả tù nhân thực tế duy nhất - "đổi tất cả lấy tất cả”.

Đề xuất trao đổi tù nhân là một trong 10 điểm được ông Zelensky vạch ra trong bài phát biểu về lộ trình chấm dứt xung đột.

Tại hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay, nhiều nhà lãnh đạo phương Tây tuyên bố sẽ không có bất kỳ liên hệ nào với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, người đại diện Điện Kremlin tham dự.

Tại Bali, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhắc lại lập trưởng của Bắc Kinh rằng nên tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình để chấm dứt chiến tranh ở Ukraine. “Ông Tập Cận Bình nhấn mạnh rằng quan điểm của Trung Quốc về cuộc khủng hoảng Ukraine là rõ ràng và nhất quán, ủng hộ ngừng bắn, chấm dứt chiến tranh và đàm phán hòa bình” - theo thông tin do đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV đăng tải về cuộc gặp song phương giữa nhà lãnh đạo Trung Quốc và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Mặc dù Trung Quốc liên tục kêu gọi chấm dứt chiến sự ở Ukraine, nhưng họ từ chối lên án Nga. Thay vào đó, Bắc Kinh kêu gọi công nhận "mối quan tâm an ninh chính đáng của tất cả các bên", đồng thời đổ lỗi cho Mỹ và NATO về cuộc xung đột.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo CNN, RT)
Ukraine khẩn trương khôi phục hạ tầng ở Kherson sau khi Nga rút quân
Ukraine khẩn trương khôi phục hạ tầng ở Kherson sau khi Nga rút quân

Các công ty điện, nước ở Kherson đang khôi phục cơ sở hạ tầng quan trọng sau khi lực lượng Nga rút quân. Hầu hết các ngôi nhà ở thành phố miền nam Ukraine này vẫn không có điện và nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN