Ai Cập hoãn trưng cầu ý dân về Hiến pháp mới

Một số quan chức Chính phủ Ai Cập đã để ngỏ khả năng hoãn cuộc trưng cầu ý dân về dự thảo hiến pháp mới, trong bối cảnh hàng chục nghìn người biểu tình đã phá vỡ các phòng tuyến bảo vệ và áp sát Phủ tổng thống ở thủ đô Cairo.

Phát biểu ngày 7/12, Phó Tổng thống Ai Cập Mahmoud Mekky cho biết Tổng thống Mohamed Morsi có thể chấp thuận hoãn cuộc trưng cầu ý dân về dự thảo Hiến pháp nếu quyết định này không bị phía tòa án xem xét và các lực lượng chính trị đối lập phải cam kết không khởi kiện quyết định của Tổng thống.

Xe quân sự của quân đội Ai Cập được triển khai gần dinh Tổng thống ngày 6/12. Ảnh: AFP/TTXVN


Bộ trưởng Tư pháp Ai Cập Ahmed Miky cũng cho biết Tổng thống Morsi sẵn sàng hoãn trưng cầu ý dân nếu phe đối lập chấp nhận đối thoại mà không đưa ra các điều kiện tiên quyết.

Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban bầu cử tối cao Samir Abu El-Maati thông báo cuộc trưng cầu ý dân dành cho các kiều dân Ai Cập ở nước ngoài dự kiến tiến hành trong ngày 8/12 sẽ được chuyển sang ngày 12/12 theo đề nghị của Bộ Ngoại giao.

Trước đó, trong bài phát biểu được truyền hình trực tiếp tối 6/12, Tổng thống Morsi đã kêu gọi tất cả các lực lượng chính trị tham gia cuộc đối thoại dân tộc vào ngày 8/12 nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay, song ông khẳng định sẽ không rút lại sắc lệnh tuyên bố Hiến pháp gây tranh cãi ban hành hôm 22/11 cũng như không hoãn cuộc trưng cầu ý dân về dự thảo hiến pháp.

Phản ứng về phát biểu trên của Tổng thống Morsi, người phát ngôn của Mặt trận cứu quốc - một tổ chức được thành lập cuối tháng 11 vừa qua quy tụ nhiều đảng phái đối lập, ông Mohamed ElBaradei cáo buộc đề xuất đối thoại của Tổng thống Morsi là hình thức “gây sức ép và đặt mọi việc vào sự đã rồi”. Ông ElBaradei kêu gọi tất cả các lực lượng chính trị tẩy chay cuộc gặp với Tổng thống.

Cựu ứng cử viên Tổng thống, ông Khaled Ali tuyên bố những ai chấp nhận đàm phán với ông Morsi là những "kẻ phản bội".

Trong khi đó, hàng chục nghìn người biểu tình đã bao vây Phủ Tổng thống tại quận Heliopolis ở thủ đô Cairo tối 7/12, phá vỡ các phòng tuyến bảo vệ bằng dây thép gai và leo lên các xe tăng của lực lượng quân đội. Người biểu tình cũng dựng các chướng ngại vật trên một tuyến phố dẫn đến Phủ Tổng thống, dựng lều bạt, phân phát chăn màn, thành lập các nhóm bảo vệ và chuẩn bị các phương án đối mặt với những người biểu tình ủng hộ Tổng thống.

Cảnh sát Ai Cập đã tăng cường lực lượng tới địa điểm tập kết của những người biểu tình, bao gồm cả địa điểm của tổ chức Anh em Hồi giáo, nhằm ngăn chặn đụng độ bùng nổ giữa hai bên.

Cùng ngày, tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, hàng nghìn người biểu tình tiếp tục đổ xuống đường phản đối tuyên bố hiến pháp của Tổng thống Morsi và cuộc trưng cầu ý dân.

Tại thành phố Mansoura, thủ phủ tỉnh Daqahlia, hàng trăm thành viên của các đảng đối lập đã tổ chức tuần hành phản đối vụ đụng độ đêm 5/12 ở trước Phủ Tổng thống làm ít nhất 7 người thiệt mạng và hơn 640 người bị thương, đồng thời bác bỏ đề xuất đối thoại của ông Morsi.

Tại thành phố Koum Hamada, tỉnh Beheira, đụng độ đã xảy ra giữa những người biểu tình phản đối và ủng hộ Tổng thống ngay trước văn phòng của tổ chức Anh em Hồi giáo.

Tại tỉnh Gharbiya, người biểu tình phong tỏa các tuyến đường sắt đi qua thành phố Mahalla và tuyên bố sẽ không giải tán chừng nào tuyên bố hiến pháp và cuộc trưng cầu dân ý bị hủy bỏ.

Trong khi đó, tại thủ phủ Tanta của tỉnh cùng tên, người biểu tình phóng hỏa văn phòng của đảng Tự do và Công lý cầm quyền– nhánh chính trị của tổ chức Anh em Hồi giáo. Tại tỉnh Kafr al-Sheikh, đụng độ cũng đã xảy ra giữa các thành viên tổ chức Anh em Hồi giáo với những người biểu tình đối lập khi hai bên dùng súng, dao kiếm và gạch đá tấn công lẫn nhau. Tại thành phố lớn thứ hai của Ai Cập Alexandria, những người biểu tình giao tranh bằng súng và gạch đá.

Theo Bộ Y tế Ai Cập, các cuộc đụng độ trong ngày 7/12 đã làm trên 50 người bị thương.

Trong một diễn biến khác, chiều 7/12, nhật báo “Al Ahram” tiết lộ Tổng thống Mohamed Morsi sẽ sớm ban hành một điều luật trao thêm quyền tư pháp và bảo vệ an ninh cho các lực lượng quân đội. Theo báo này, điều thứ nhất của luật quy định quân đội có trách nhiệm phối hợp với lực lượng cảnh sát bảo vệ an ninh và các cơ sở trọng yếu của đất nước cho tới khi Hiến pháp được thông qua và Quốc hội mới được bầu ra.

Ngoài ra, quân đội cũng có nhiệm vụ bảo vệ và giữ gìn an ninh “theo yêu cầu của Tổng thống”. Dự luật này, được soạn thảo với sự tham gia của các tướng lĩnh quân đội, đã được nội các thông qua. Động thái này được xem là dấu hiệu ông Morsi đang tìm cách kéo lực lượng quân đội tham gia sâu hơn vào việc giải quyết tình trạng bế tắc chính trị kéo dài suốt hơn hai tuần qua.


TTXVN/Tin tức
Phe đối lập bác đề xuất đối thoại của Tổng thống Ai Cập
Phe đối lập bác đề xuất đối thoại của Tổng thống Ai Cập

Ngày 7/12, một ngày sau khi Tổng thống Mohamed Morsi đưa ra đề xuất đối thoại, các cuộc biểu tình, tuần hành tiếp tục diễn ra trên khắp đất nước Ai Cập, hưởng ứng lời kêu gọi của Phong trào "Ngày 6 tháng 4", lực lượng đã tham gia tích cực các cuộc biểu tình phản đối rầm rộ trong hai tuần qua...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN