10.000 người ủng hộ Nga biểu tình tại Donetsk

Khoảng 10.000 người ủng hộ Nga đã biểu tình tại thành phố Donetsk, miền đông Ukraine ngày 9/3, thể hiện mong muốn gia nhập Nga và buộc chính trị gia – cựu võ sĩ quyền anh Vitali Klitschko phải hủy bỏ một cuộc tuần hành thù địch.

Hàng nghìn nhà hoạt động xã hội Ukraine đã tuần hành tại thành phố Donetsk ngày 8/3, biểu thị sự ủng hộ đối với các quyết định của Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Ảnh: AFP/ TTXVN


Những người biểu tình hô vang: “Nga! Donetsk, thành phố của Nga” và “Putin làm tổng thống” đồng thời vẫy cờ Nga và cờ của Đảng Cộng sản tại thành phố công nghiệp vốn là thành trì của Tổng thống bị lật đổ Viktor Yanukovych. Người biểu tình cũng dành một phút mặc niệm những cảnh sát đã thiệt mạng trong các vụ đụng độ với người biểu tình chống Nga tại Kiev hồi tháng trước.

Trước đó, Klitschko, một ứng cử viên trong cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 25/5 tới, đã phát biểu với truyền thông rằng ông này muốn thuyết phục người dân Donetsk – thù địch với chính quyền thân châu Âu ở Kiev và muốn giữ quan hệ gần gũi với Nga – “đoàn kết” để đối mặt với “những khiêu khích” ly khai. Tuy nhiên, ông Klitschko đã phải hủy bỏ cuộc tuần hành theo kế hoạch để tránh khả năng xảy ra đối đầu khi hàng nghìn người biểu tình ủng hộ Nga tập trung tại Quảng trường Lenin ở trung tâm Donetsk.

Liên quan đến vấn đề Crimea (Crưm), trong cuộc điện đàm ngày 9/3 với Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng việc tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 16/3 tới về việc Crimea gia nhập Nga là vi phạm Hiến pháp Ukraine và luật pháp quốc tế. Bà cũng tỏ ý lấy làm tiếc về việc không có bất kỳ tiến triển nào trong việc thành lập “một nhóm tiếp xúc quốc tế”, cơ cấu có thể giúp tìm ra một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng tại Ukraine.

Trước đó, hôm 6/3, bà Merkel cho biết nếu nhóm tiếp xúc quốc tế không được thành lập trong những ngày tới và không có tiến triển trong đàm phán với Nga, Liên minh châu Âu sẽ áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt như hạn chế đi lại và đóng băng tài khoản.

Các thành viên OSCE bị kẹt lại tại trạm kiểm soát cửa ngõ vào bán đảo Crimea ngày 7/3 do không thể vào bên trong. Ảnh: AFP/ TTXVN


Cùng ngày 9/3, bà Merkel cũng đã có cuộc điện đàm thảo luận về quan hệ song phương và cuộc khủng hoảng tại Ukraine với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Ông Tập Cận Bình đã trao đổi sâu, rộng với bà Merkel về quan hệ song phương cũng như các vấn đề khu vực và quốc tế mà hai bên cùng quan tâm. Ông cho rằng tình hình tại Ukraine là rất phức tạp và đặc biệt nhạy cảm, cần phải xem xét các yếu tố khác nhau để giải quyết cuộc khủng hoảng này. Ông kêu gọi tất cả các bên liên quan kiềm chế và tìm kiếm một giải pháp chính trị thông qua đối thoại và thương lượng trong khuôn khổ luật pháp và trật tự, tránh làm leo thang tình hình.

Trong cuộc điện đàm khác, bà Merkel và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã nhất trí rằng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và sự thống nhất về chính trị của Ukraine cần phải được bảo vệ bằng mọi giá.

Thông cáo báo chí chung được chính phủ Đức công bố nêu rõ 2 nhà lãnh đạo đã thống nhất rằng nguy cơ đối đầu tại Crimea (Crưm) cần phải được loại bỏ và cuộc trưng cầu dân ý dự kiến vào ngày 16/3 tới về việc sáp nhập Crimea vào Nga là “đặc biệt đáng ngờ” và “bất hợp pháp”.

Bà Merkel và ông Erdogan nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế để vượt qua khủng hoảng và cho rằng các nỗ lực thành lập “một nhóm tiếp xúc quốc tế” và một ủy ban điều tra các vụ bạo lực trong những tuần qua tại Ukraine là quan trọng.

Thủ tướng Erdogan cho biết Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng trợ giúp cho nhóm tiếp xúc kể trên, viện dẫn việc Ankara có quan hệ quan hệ gần gũi với cả Kiev và Moskva, cũng như có quan hệ đặc biệt với những người Tatar tại Crimea.


T.N (Theo AFP/Reuters)
Ukraine chưa có kế hoạch điều quân tới Crimea
Ukraine chưa có kế hoạch điều quân tới Crimea

Hãng thông tấn Interfax dẫn lời quyền Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Ihor Tenyukh ngày 9/3 cho biết quân đội nước này đang tiến hành các cuộc tập trận ở căn cứ và nước này chưa có kế hoạch cử lực lượng vũ trang tới khu vực tự trị Crimea.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN