Tham gia tọa đàm có các chuyên gia, nhà khoa học, viện, trường, nhà quản lý, đại diện ngành chức năng các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang, Bến Tre, Trà Vinh và Kiên Giang.
Các chuyên gia đã tập trung đánh giá thực trạng, giải pháp, hiến kế ứng phó hạn, mặn trong mùa khô năm. Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận tính hiệu quả của các mô hình kinh tế chuyển đổi đã và đang triển khai nhằm ứng phó hạn, mặn.
Tiến sỹ Trần Hữu Hiệp, chuyên gia kinh tế cho rằng buổi tọa đàm có ý nghĩa thiết thực bởi hiện đang là cao điểm của mùa khô năm nay. Các tỉnh ven biển đồng bằng sông Cửu Long vốn bị tác động nhiều nhất của tình trạng xâm nhập mặn và biến đổi khí hậu. Theo các nhà khoa học, giải pháp ứng phó hạn mặn tốt nhất là theo hướng “thuận thiên” là chọn cây, con sản xuất thích ứng với biển đổi khí hậu. Tiến sỹ Trần Hữu Hiệp đánh giá việc xác định nuôi, trồng “thuận thiên” là đúng nhưng cần bổ sung điều kiện thổ nhưỡng để đảm bảo phù hợp cây trồng, giống, điều kiện canh tác, tổ chức sản xuất.
Trong khi đó Phó Giáo sư, Tiến sỹ Võ Công Thành (Trường Đại học Cần Thơ) cho rằng: Không chỉ cây trồng, vật nuôi “thuận thiên” mà ngay cả các công trình cũng nên “thuận thiên”. Ông Võ Công Thành đưa ra dẫn chứng là việc làm cống ngăn mặn ở Gò Công Đông (tỉnh Tiền Giang) khiến đa dạng sinh học của khu vực không còn, kèm theo đó làm dậy phèn khiến người dân không thể tiếp tục trồng được lúa. “Dựa vào bài học đó nên xem lại việc ngăn sông đắp mặn”, ông Thành cảnh báo.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, để ứng phó hạn, mặn và biến đổi khí hậu, tỉnh chủ trương chuyển đổi, quy hoạch nhiều vùng sản xuất. Đặc biệt tỉnh đang tập trung chuyển đổi mạnh mẽ các diện tích sản xuất lúa không hiệu quả sang mô hình lúa – tôm. Đây là mô hình đã được kiểm chứng hiệu quả và bền vững.
Đến nay, diện tích áp dụng mô hình này của tỉnh là gần 40.000 ha. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này. Đồng thời tỉnh sẽ đẩy mạnh chuyển giao, phổ biến khoa học kỹ thuật, áp dụng các giống lúa chất lượng, thích ứng với độ mặn cao ở vùng sản xuất lúa - tôm của địa phương. Ngoài mô hình lúa tôm thì hiện nay tỉnh cũng đang triển khai thực hiện mô hình nuôi tôm càng xanh trên đất lúa cho hiệu quả khá cao. Địa phương tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi sản xuất thích ứng với hạn, mặn và đẩy mạnh liên kết vùng.
Đồng bằng sông Cửu Long là vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất Việt Nam. Tuy nhiên, nơi đây cũng là một trong những vùng bị tổn thương mạnh nhất do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn. Giữa năm 2016, đồng bằng sông Cửu Long phải đối diện với hạn hán và mặn xâm nhập lớn chưa từng có trong lịch sử. Mùa khô năm nay, tình hình hạn mặn và xói lở bờ sông, bờ biển cũng diễn biến cực đoan, thất thường.
Hiện tại, mặn bắt đầu xâm nhập vào các tỉnh trong vùng, gây ảnh hưởng đến hàng trăm ngàn ha lúa và hoa màu, nước ngọt sinh hoạt cho người dân trở nên khan hiếm. Việc tìm giải pháp ứng phó hiệu quả cho thực trạng này đã và đang được các cấp, các ngành triển khai tích cực.