Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang Nguyễn Văn Tâm cho biết, địa phương xác định vùng chịu ảnh hưởng hạn, mặn xâm nhập gồm: vùng sản xuất nông nghiệp ven biển Rạch Giá - Hà Tiên, ven sông Cái Lớn và Cái Bé, vùng U Minh Thượng; vùng đất rừng Vườn Quốc gia Phú Quốc, Vườn Quốc gia U Minh Thượng và các lâm phần rừng trồng.
Thành phố Rạch Giá, thị xã Hà Tiên, trung tâm các huyện, khu dân cư tập trung và vùng hải đảo sẽ có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt. Theo đó, 276 bờ đập được gia cố, đắp mới để ngăn mặn, giữ ngọt với tổng kinh phí hơn 40 tỷ đồng; vận hành 2 cống mới là Sông Kiên, Kênh Cụt và hệ thống cống trên tuyến đê biển, đê bao Ô Môn - Xà No, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất vụ lúa Hè Thu 2017. Trước mắt, địa phương triển khai gia cố, đắp mới các bờ đập ngăn mặn để bảo vệ lúa vụ Mùa và Đông Xuân 2016 - 2017 đang giai đoạn giữa và cuối vụ thu hoạch.
Cùng với đó, ngành nông nghiệp tỉnh Kiên Giang phối hợp với đơn vị liên quan theo dõi sát tình hình thời tiết, diễn biến mặn trên những tuyến kênh, sông chính để kịp thời thông báo tới địa phương và nhân dân chủ động ứng phó, sản xuất. Đồng thời, phối hợp với tỉnh An Giang thống nhất lịch lấy nước luân phiên trong vùng Tứ giác Long Xuyên, đảm bảo tạo nguồn nước tưới tiêu phục vụ sản xuất. Ngoài ra, lịch xuống giống vụ lúa Hè Thu 2017 được xây dựng phù hợp với đặc điểm nguồn nước của từng vùng, tiểu vùng sản xuất để phòng thiếu nước và xâm nhập mặn.
Đồng ruộng thiếu nước, cỏ dại mọc xanh trên đồng ở ấp Tràm Trỗi, xã Vĩnh Điều, huyện Giang Thành (Kiên Giang).Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN |
Đối với việc đảm bảo nguồn nước sinh hoạt, tỉnh Kiên Giang đầu tư hơn 20 tỷ đồng khoan một số giếng công suất 10 - 20 m³/giờ ở một số khu vực để tạo thêm nguồn nước bổ sung cho các trạm cấp nước đang hoạt động nhưng thiếu nguồn nước khai thác; kéo dài tuyến ống từ trạm cấp nước đến khu vực dân cư sinh sống bị ảnh hưởng hạn mặn; duy tu, sửa chữa trạm cấp nước xuống cấp, hư hỏng và xây dựng mới một số trạm khác vùng ảnh hưởng hạn mặn...
Đồng thời, địa phương chuẩn bị phương án, kế hoạch cấp nước, đảm bảo nước sinh hoạt người dân vùng nông thôn, nhất là khu vực khó khăn, vùng không có tuyến ống nước, giao thông không thuận tiện. Phương tiện vận chuyển nước từ đất liền ra các đảo có cư dân sinh sống được chuẩn bị phòng khi giếng khoan, hồ chứa cạn kiệt, nhất là giai đoạn cao điểm mùa khô.
Các ngành chức năng tỉnh phối hợp tuyên truyền để người dân hiểu rõ về tình hình biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô. Qua đó, người dân có ý thức sử dụng nước tiết kiệm, bảo vệ nguồn nước; chủ động dụng cụ chứa nước sinh hoạt trong mùa khô.