Các công trình được thực hiện ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười và các huyện giáp với biển như Cần Đước, Cần Giuộc, vốn đầu tư chủ yếu bằng ngân sách Nhà nước, trong đó đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi khoảng 1.081 tỷ đồng và hơn 500 tỷ đồng là nâng nền, cải tạo 5.000 công trình khai thác nước ngầm phục vụ nước sinh hoạt thuộc vùng nông thôn.
Tỉnh đầu tư hệ thống cống và thay đổi chế độ vận hành của một số cống, từ chế độ vận hành tự động sang chế độ vận hành cưỡng bức ở các huyện Cần Đước và thành phố Tân An để lấy nước, xả nước đáp ứng mực nước theo yêu cầu sản xuất, gạn nước ngọt theo triều cường trong mùa nước mặn.
Long An triển khai thi công công trình cấp bách đắp đập ngăn mặn tại các cầu trên địa bàn nhằm ngăn mặn xâm nhập từ sông Vàm Cỏ Tây vào phía trong nội đồng của Long An và Tiền Giang. Ảnh: Bùi Như Trường Giang/TTXVN
|
Ngành nông nghiệp tỉnh Long An xây dựng trạm bơm điện tại vị trí cống Bà Phổ huyện Thủ Thừa, kết hợp cải tạo hệ thống kênh tưới trên địa bàn huyện Thủ Thừa, huyện Tân Trụ để tận dụng bơm lấy nước ngọt theo triều cường từ sông Vàm Cỏ Tây trong mùa nước mặn, cung cấp nước ngọt phục vụ sản xuất, dân sinh cho huyện Thủ Thừa, huyện Tân Trụ trong mùa nước mặn.
Công trình lớn nhất là dự án xây dựng hồ chứa nước ngọt ven sông Vàm Cỏ Tây ở huyện Vĩnh Hưng, Thạnh Hóa với tổng vốn đầu tư hơn 790 tỷ đồng. Công trình này trữ nước mùa lũ, cung cấp nước mùa khô, cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất mùa khô cho một vùng rộng lớn ở Đồng Tháp Mười của tỉnh. Tỉnh thực hiện dự án kè sông Vàm Cỏ Tây, đoạn qua thị trấn Đông Thành, huyện Cần Giuộc; xây dựng hệ thống đê kè dọc sông Soài Rạp, Vàm Cỏ nhằm ứng phó nước biển dâng tại hai xã Long Hựu Đông và Long Hựu Tây, huyện Cần Đước...
Tỉnh Long An bố trí ngân sách hơn 500 tỷ đồng để triển khai dự án nâng nền, cải tạo 5.000 công trình khai thác nước ngầm và hệ thống đường ống cấp nước sinh hoạt khu vực nông thôn, với mục tiêu là đảm bảo cho các công trình khai thác nước ngầm không bị ngập, hoạt động cấp nước bình thường trong mùa lũ trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Tỉnh Long An đã xây dựng các kịch bản (thấp, trung bình, cao) theo nhiệt độ, lượng mưa, mực nước biển dâng và độ mặn nhằm giảm thiểu các tác động và thích ứng với biến đổi khí hậu đối với từng ngành, lĩnh vực và đối với các địa phương. Tỉnh lồng ghép biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng vào các quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương và các quy hoạch chuyên ngành.
Tỉnh ưu tiên bố trí nguồn kinh phí và các nguồn lực khác cho các hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu một cách hiệu quả; triển khai thực hiện những dự án cấp thiết theo từng giai đoạn của địa phương, đảm bảo hài hòa giữa lợi ích trước mắt và lâu dài, phù hợp kế hoạch trung hạn, dài hạn của tỉnh Long An.