Theo ông Nguyễn Văn Tỉnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dự báo năm 2017 mặn không khốc liệt như năm 2016 nhưng vẫn nghiêm trọng hơn trung bình nhiều năm. Do đó, các địa phương không nên chủ quan, lơ là trong phòng, tránh, nhất là những nơi đã chịu thiệt hại do hạn, mặn của năm 2016.
Cống Sông Kiên (Kiên Giang) góp phần ngăn mặn cho vùng sản xuất Tứ giác Long Xuyên. Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN |
Viện nghiên cứu Biến đổi khí hậu - Trường Đại học Cần Thơ cho hay, những tháng đầu năm 2017, xâm nhập mặn ở các tỉnh ven biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long như: Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau, Bến Tre, Kiên Giang... xuất hiện ở mức cao, nhưng ít nghiêm trọng so với mùa khô năm 2016. Mặn xâm nhập sâu xuất hiện từ cuối tháng 2/2017.
Theo đó, các vùng cách cửa sông từ 25-35 km, nước mặn với độ mặn 4%o xâm nhập thường xuyên, nhất là trong các đợt triều cường, nước biển lên cao. Vùng cách cửa sông từ 35-45 km, mặn 4‰ xuất hiện không thường xuyên, chỉ vào lúc triều cường.
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái Đồng bằng sông Cửu Long cho biết, thời điểm giữa tháng 3 đã là đỉnh điểm của mùa khô nhưng vẫn chưa thấy tình hình hạn mặn xuất hiện. Có thể nói năm nay hạn, mặn sẽ không tồi tệ như năm 2016.
“Cần hiểu rõ 2016 là năm El Nino cực đoan nhất trong 90 năm mới có một lần. Đó là một năm ngoại lệ và sau đó sẽ trở lại tình hình khá bình thường. Và sau El Nino sẽ là hiện tượng La Nina yếu từ cuối mùa khô 2016 đến cuối tháng 2/2017.”, ông Thiện phân tích.
Về tình hình nguồn nước năm nay, Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện cho biết, đỉnh lũ năm 2016 đã cao hơn đỉnh lũ của năm 2015 khoảng 40 cm. “Dù vẫn thấp hơn trung bình nhiều năm nhưng vẫn có một lượng nước đă vào các túi trữ lũ ở Biển Hồ Tonle Sap, Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười và lượng nước này sẽ góp phần đẩy mặn ra trong mùa khô năm nay”, ông nói.
Bên cạnh đó, sau hiện tượng El Nino đã có La Nina yếu diễn ra và đã gây ra nhiều cơn mưa trái mùa. Những cơn mưa này đã bổ sung nước vào trong đất, vào các ao, hồ, kênh rạch. Dự báo đến tháng 8 năm nay sẽ không xuất hiện El Nino cũng như La Nina, do đó tình hình hạn, mặn sẽ ở mức khá bình thường.
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện cho rằng, hạn, mặn của năm 2016 là ngoại lệ và không nên dựa vào một năm ngoại lệ để khẳng định rằng từ nay Đồng bằng sông Cửu Long sẽ thiếu nước hoặc xây dựng các công trình ứng phó với hạn, mặn theo tình hình năm ngoài. “Để xây dựng một chiến lược lâu dài thì phải dựa vào nhiều năm chứ không chỉ một năm ngoại lệ”, ông Thiện khẳng định.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long biến đổi theo triều và đạt mức cao nhất tuần vào ngày 11-12/3, mực nước trên sông Tiền tại Tân Châu ở mức 1,45m, trên sông Hậu tại Châu Đốc ở mức 1,5m, đều cao hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ khoảng 0,3 - 0,35m.