Các tỉnh Tây Nguyên đã chỉ đạo các ngành chức năng không tham mưu, đề xuất, xem xét đối với các dự án có chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác, không cấp phép khai thác tận thu, tận dụng lâm sản trên diện tích rừng tự nhiên đã có quyết định chuyển đổi nhưng chưa khai thác tận dụng, không giao chỉ tiêu khai thác rừng theo phương án quản lý rừng bền vững.
Các tỉnh Tây Nguyên cũng đã rà soát, đánh giá kết quả thực hiện các dự án, nhất là các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất lâm nghiệp trước đây sang trồng cao su, cây công nghiệp khác.
Công tác tuần tra, bảo vệ rừng được các lực lượng chức năng tỉnh Kon Tum triển khai mạnh mẽ. Ảnh: Quang Thái/TTXVN |
Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, các tỉnh Tây Nguyên đã rà soát, đánh giá 565 dự án, với diện tích rừng, đất lâm nghiệp 214.153 ha.
Qua rà soát, các tỉnh Tây Nguyên đã thu hồi toàn bộ, hoặc một phần dự án đối với hàng chục dự án triển khai chậm tiến độ, không thực hiện dự án để rừng bị phá, bị lấn chiếm, sang nhượng trái phép…, đồng thời xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan trong quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp.
Riêng các dự án chuyển đổi rừng nghèo kiệt sang trồng cao su có 220 dự án, với tổng diện tích 114.729 ha, trong đó, đất rừng tự nhiên nghèo kiệt 93.511 ha, đất trồng rừng 122 ha, đất không có rừng 21.096 ha.
Hiện nay, các doanh nghiệp đã trồng được 73.131 ha cao su, trong đó có 63.437 ha cao su phát riển tốt, diện tích còn lại 9.694 ha sinh trưởng kém, hoặc chết.
Cũng theo đánh giá của Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, các tỉnh Tây Nguyên triển khai thực hiện các dự án nông, lâm nghiệp trong thời gian qua nhìn chung chưa đạt được hiệu quả về kinh tế, xã hội cũng như các mục tiêu đề ra. Các tỉnh vẫn còn để xảy ra tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất rừng, xâm hại rừng.
Các tỉnh Tây Nguyên cũng chưa làm tốt công tác thẩm tra, sàng lọc các chủ đầu tư. Một số dự án do công tác khảo, nghiên cứu điều kiện thổ nhưỡng trên đất rừng khộp chưa thấu đáo nên trồng cao su kém phát triển, hoặc tỷ lệ chết nhiều không mang lại hiệu quả kinh tế….
Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đề nghị Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương nghiên cứu đối với diện tích đất lâm nghiệp ở vùng Tây nguyên đã bị người dân lấn chiếm lâu năm và đang sản xuất nông nghiệp ổn định, nhất là các khu vực dân di cư đến ngoài kế hoạch đã ở ổn định thành cộng đồng từ nhiều năm nay cho chủ trương rà soát, chuyển mục đích sử dụng đất và giao lại cho địa phương quản lý.
Từ đó bố trí đất sản xuất cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất hoặc có cơ chế để các công ty lâm nghiệp hợp đồng giao khoán, cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số thuê đất để đồng bào yên tâm sản xuất, đầu tư tăng năng suất (không cấp sổ đỏ).
Để giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các công trình, dự án liên quan đến việc chuyển đổi rừng tự nhiên, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành xem xét, hướng dẫn các địa phương giải quyết, xử lý thỏa đáng đối với các dự án đầu tư đã và đang triển khai để tránh gây thiệt hại kinh tế đối với cộng đồng doanh nghiệp cũng như địa phương.
Chỉ đạo các tỉnh vùng Tây Nguyên có diện tích rừng chuyển sang trồng cao su trên đất lâm nghiệp nhưng bị chết hoặc phát triển kém buộc phải trồng lại rừng hoặc có biện pháp hợp lý nhằm khôi phục lại môi trường.
Đối với những diện tích rừng tự nhiên là rừng sản xuất chất lượng kém, không có khả năng phục hồi, cần có chính sách giao khoán cho các tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình trồng lại rừng để hưởng lợi…