Vườn ươm thông ba lá để trồng rừng. Ảnh: baogialai.com.vn |
Ngoài ra, các địa phương cân đối sử dụng các nguồn lực trồng thêm 1 triệu cây phân tán (tương đương với 1.000ha, chủ yếu trồng dọc theo 2 bên đường đi ở địa bàn các khu dân cư).
Từ nhiều năm nay, do công tác quản lý rừng và đất rừng ở các địa phương trong tỉnh chưa được chặt chẽ nên đã xảy ra tình trạng lấn chiếm đất rừng trong dân khá phổ biến, nhất là trong các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ở các buôn làng sống gần rừng phần nhiều cuộc sống còn khó khăn nên bà con thường lấn chiếm đất rừng, thậm chí phá rừng để lấy đất đưa vào sản xuất nông nghiệp và trồng các loại cây ngắn ngày, chủ yếu là cây lúa rẫy.
Trong các tổ chức được giao đất rừng để quản lý như các Công ty lâm nghiệp, Ban Quản lý rừng, chính quyền cấp xã...ngoài việc không kiểm soát được việc đất rừng bị lấn chiếm còn có quỹ đất lâm nghiệp chưa sử dụng hợp lý và chưa đúng mục đích theo chức năng, nhiệm vụ được nhà nước giao. Có nơi còn để đất trống, có nơi đưa vào trồng các loại cây trồng khác...
Qua khảo sát thực tế bước đầu cho thấy, toàn tỉnh còn đến hơn 30.000ha đất rừng bị lấn chiếm hoặc sử dụng sai mục đích, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương và các ngành chức năng tiến hành rà soát và có kế hoạch thu hồi qua từng năm để sử dụng cho trồng rừng đến năm 2019.
Theo đó, tỉnh sẽ ưu tiên giao toàn bộ đất rừng được thu hồi cho các hộ dân trong vùng quản lý và trồng lại rừng chủ yếu là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cứ 1ha đất rừng được giao, các hộ được quyền cắt lại 0,3ha để trồng cây ngắn ngày "lấy ngắn nuôi dài" còn 0,7ha là đưa vào trồng rừng.
Các địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp cùng tham gia bằng hình thức sản xuất và cung ứng các loại cây giống để cho dân trồng theo tiến độ từng năm, đồng thời hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc và đôi bên cùng có lợi.
Theo ông Võ Ngọc Thành - Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, trước sự biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt thì việc trồng rừng phủ xanh đất trống đồi trọc nhằm tăng cao độ che phủ là việc làm hết sức cần thiết, nhằm góp phần ổn định và phát triển bền vững nền kinh tế - xã hội ở địa phương.
Do vậy, việc thu hồi đất rừng bị lấn chiếm hoặc sử dụng sai mục đích để tiến hành trồng lại rừng trong những năm tới được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và cấp bách ở địa phương và đang triển khai thực hiện quyết liệt. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng nhằm ngăn chặn có kết quả tình trạng phá rừng trái phép, cháy rừng...cũng như lấn chiếm đất rừng đã diễn ra trong nhiều năm qua.