Theo nghiên cứu đăng tải trên tạp chí khoa học Molecular Metabolism của châu Âu, các nhà khoa học tại Trường Y khoa thuộc Đại học Kobe và các tổ chức khác đã nêu những phiên bản khác nhau của protein PGC-1a được sản sinh trong cơ xương khi con người tập thể dục. Họ nhận thấy mức tăng các đồng dạng protein này càng lớn đồng nghĩa với việc người đó càng tiêu hao nhiều năng lượng.
Nhóm nghiên cứu nêu rõ, việc tăng protein PGC-1a chủ yếu là do sự tăng cường điều chỉnh các đồng dạng thay thế. Điều này đóng vai trò quan trọng trong việc tăng khả năng thích ứng của quá trình tiêu hao năng lượng.
Nhóm nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng loài chuột thiếu các đồng dạng protein này nên thường khả năng tiêu hao năng lượng của chúng bị suy giảm trong quá trình tập luyện, dẫn đến béo phì và tăng insulin máu.
Khi nhóm nghiên cứu kiểm tra cơ xương ở người, các đồng dạng protein PGC-1a thay thế cũng tăng lên trong quá trình tập thể dục. Do đó, họ nhận định việc số lượng đồng dạng protein sản sinh ra khác nhau tùy theo từng cá nhân dẫn đến có sự khác biệt về hiệu quả giảm cân ngay cả khi mọi người thực hiện cùng một bài tập trong một thời lượng như nhau.
Hiện nay, các loại thuốc ức chế cảm giác thèm ăn thường được kê đơn để điều trị béo phì. Tuy nhiên, những phát hiện mới nói trên giúp mở ra hy vọng điều chế và sản xuất các loại thuốc mới có thể giúp tăng các đồng dạng protein PGC-1a mà không cần tập thể dục và ăn kiêng.
Thành viên nhóm nghiên cứu, Giáo sư Wataru Ogawa tại Đại học Kobe cho biết hiện các nhà khoa học, các y bác sĩ đang chú trọng mục tiêu hạn chế tình trạng người béo phì và nếu các phát hiện mới có thể loại bỏ tình trạng này thì trong tương lai, sẽ có thể tìm được nhiều phương pháp khả thi giúp điều trị nhiều loại bệnh khác nhau.