Ukraine nhận tin gây thất vọng về việc cung cấp xe tăng M1 Abrams của Mỹ

Đội xe tăng chiến đấu chủ lực M1 Abrams mà Mỹ cam kết viện trợ có thể sẽ không đến tay người Ukraine trong năm nay.

Chú thích ảnh
Những chiếc xe tăng M1 Abrams đang chờ được đưa lên tàu ở Savannah, bang Georgia, Mỹ vào 6/2/2020 để lên đường tới châu Âu. Ảnh: Quân đội Mỹ

Ukraine đang kỳ vọng xe tăng hiện đại của phương Tây sẽ thổi sức sống mới cho nỗ lực của họ trên chiến trường, nhưng một thông tin mới gây thất vọng là đội xe tăng chủ lực M1 Abrams của Mỹ có thể sẽ không đến tay Kiev trong năm nay.

Theo trang Defense News, quân đội Mỹ đang cân nhắc làm thế nào để đưa xe tăng M1 Abrams đến Ukraine, nhưng số xe tăng này thậm chí có thể không đến được mặt trận cho đến năm sau - Bộ trưởng Lục quân Mỹ Christine Wormuth cho biết.

Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi tháng 1 tuyên bố sẽ gửi 31 xe tăng Abrams, do General Dynamics Land Systems sản xuất, tới Ukraine. Động thái này đã đảo ngược lập trường của Washington, được đưa ra sau khi Đức dọn đường cho châu Âu gửi xe tăng chiến đấu chủ lực đến Kiev.

Năng lực mà các xe tăng hiện đại phương Tây cung cấp có thể tăng cường khả năng phòng thủ và tấn công của Ukraine trước lực lượng Nga trong các cuộc tấn công dự kiến ​​vào mùa xuân này. Tuy nhiên, đội xe tăng Abrams từ Mỹ có thể sẽ không đến được nước này trước thời điểm đó.

Trong một phát biểu đưa ra với các phóng viên hôm 23/2, bà Christine Wormuth nói: “Chúng tôi đang tìm cách nhanh nhất để đưa xe tăng đến tay người Ukraine. Sẽ không phải là chuyện vài tuần đâu.”

Bà Wormuth tiếp tục: “Không có lựa chọn nào mà chúng tôi đang xem xét là vài tuần hoặc hai tháng. Có những mốc thời gian dài hơn liên quan, tôi nghĩ còn có những lựa chọn dưới hai năm, dưới một năm rưỡi.”

Theo Bộ trưởng Wormuth, vấn đề xe tăng có thể đến Ukraine vào cuối năm nay hay không vẫn đang được xác định. “Có nhiều cách khác nhau” để sản xuất xe tăng, từ việc chế tạo chúng “từ đầu” như Mỹ đang làm cho Ba Lan, hoặc rút từ kho của Mỹ, với nhiều trong số đó là xe tăng cũ đã được tân trang lại.

Trước các đợt tấn công mới vào mùa xuân, các chuyên gia hàng đầu cho rằng cuộc khủng hoảng hậu cần đang diễn ra sẽ thử thách khả năng của quân đội Mỹ trong việc di chuyển liên tục và nhanh chóng binh sĩ cũng như thiết giáp hạng nặng qua biên giới của nhiều quốc gia. Nó cũng có thể làm rõ hơn những lỗ hổng tiềm ẩn trong cả chiến lược và năng lực.

Bộ trưởng Lục quân Mỹ Wormuth lưu ý rằng kế hoạch hậu cần mà họ đang tính toán không chỉ nhằm cung cấp xe tăng Abrams mà còn hỗ trợ các thiết bị như phương tiện phục hồi, đạn dược và một gói huấn luyện. “Vẫn còn rất nhiều chi tiết cần được giải quyết", bà nói.

Theo Bộ trưởng Wormuth, quân đội Mỹ sẽ trình bày các lựa chọn lên Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, người sau đó sẽ báo cáo Tổng thống Biden để đưa ra quyết định cuối cùng.

Năm ngoái, Ba Lan và Mỹ đã đạt được thỏa thuận để Warsaw mua 250 xe tăng M1A2 Abrams nâng cấp, sẽ được chuyển giao trong khung thời gian 2025 - 2026. Tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan đã ký một thỏa thuận khác để mua đợt thứ hai với tổng cộng 116 chiếc. Ba Lan là đồng minh châu Âu đầu tiên của Mỹ mua xe tăng Abrams.

Các khách hàng đặt mua xe tăng Abrams khác bao gồm Australia, Ai Cập, Iraq, Kuwait, Saudi Arabia, Maroc và Đài Loan (Trung Quốc), đã bắt đầu nhận xe tăng vào mùa hè năm 2022.

Về phần mình, Nga đã nhiều lần cảnh báo việc Mỹ và các đồng minh tiếp tục gửi vũ khí tới Ukraine có nguy cơ khiến họ trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột và chỉ làm cho xung đột leo thang hơn nữa. Hôm 20/1, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cảnh báo xe tăng phương Tây viện trợ cho Ukraine sẽ không thay đổi cục diện chiến trường, cho rằng phương Tây, Ukraine đang phóng đại về tác động của các gói viện trợ quân sự và ảo tưởng về khả năng chiến thắng của Ukraine trên chiến trường.

Thu Hằng/Báo Tin tức
Nóng trong tuần: Phương Tây vạch 'lằn ranh đỏ' với Trung Quốc; Tổng thống Biden thăm Ukraine
Nóng trong tuần: Phương Tây vạch 'lằn ranh đỏ' với Trung Quốc; Tổng thống Biden thăm Ukraine

Phương Tây vạch “lằn ranh đỏ” đối với Trung Quốc về cấp vũ khí cho Nga; Tổng thống Mỹ Joe Biden bất ngờ thăm Ukraine; Tổng thống Nga đọc Thông điệp Liên bang; Xung đột ở Ukraine tròn 1 năm; Động đất chồng động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ là loạt sự kiện thế giới đáng chú ý nhất tuần qua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN