Trung Quốc công bố máy bay tàng hình J-20 trong một buổi triển lãm hàng không tại Quảng Đông tháng 11/2016. Ảnh: Reuters |
Đài phát thanh Sputnik dẫn bài viết đăng trên cổng thông tin Indian Defence Research Wing đưa tin, khi máy bay chiến đấu mới của Trung Quốc triển khai một cuộc tập trận tại Tây Tạng, các phi công trên Su-30 KMI của Không quân Ấn Độ đã phát hiện và theo dõi từ bên không phận Ấn Độ.
Tư lệnh Không quân Ấn Độ Arup Shaha cho biết: “Hệ thống radar của Sukhoi có thể phát hiện ra họ. Loại máy bay mới của Trung Quốc không hề tàng hình. Không cần công nghệ đặc biệt mới phát hiện ra J-20, vì nó có thể bị phát hiện bằng radar thông thường”.
Theo báo trên, máy bay chiến đấu tàng hình J2-0 vừa hoàn thành cuộc tập trận hàng hải đầu tiên. Máy bay thế hệ thứ 5 của Trung Quốc được đưa vào phát triển từ năm 2002 và nổi tiếng với công nghệ tàng hình. Máy bay chiến đấu J-20 chính thức được đưa vào sử dụng từ tháng 3/2017.
J-20 là máy bay một chỗ ngồi sở hữu thân máy rộng dài gồm 2 động cơ, với thiết kế cánh mũi hướng phía trước. Loại máy bay này có khả năng mang theo đa dạng các loại tên lửa không đối không. Bên cạnh đó, J-20 có thể thực hiện nhiệm vụ theo kiểu một đội, một chiếc J-20 có thể dùng hệ thống radar xác nhận mục tiêu rồi bí mật truyền dữ liệu cho các máy bay khác cùng loại để tấn công.
Máy bay J-20 của Trung Quốc thường được đặt lên bàn cân so sánh và mệnh danh là đối thủ xứng tầm với tiêm kích thế hệ thứ 5 F-22 của Mỹ.