Phương Tây cảnh báo Ukraine không nên từ bỏ nỗ lực cuối cùng

Tờ New York Times cho rằng Mỹ và các đồng minh đang cạn kiệt đạn dược cung cấp cho Ukraine, trong khi Kiev đã sử dụng hết nhân lực và đạn dược cần thiết cho cuộc tấn công đã được lên kế hoạch để giành lại Bakhmut.

Chú thích ảnh
Binh sĩ Ukraine chỉ đạo công việc vận chuyển một chiếc xe tăng ở vùng Donetsk, Ukraine. Ảnh: Reuters

Theo nguồn tin, Bakhmut hiện gần như bị Quân đội Nga bao vây hoàn toàn, trong khi Quân đội Ukraine bám trụ thị trấn này đang cạn kiệt đạn dược. Dẫn lời một chỉ huy lữ đoàn của Ukraine, New York Times cho biết Ukraine đang thiếu hụt đạn pháo trầm trọng.

Một số quan chức Mỹ và Liên minh châu Âu lo ngại Ukraine đang sử dụng hết hàng nghìn quả đạn pháo mỗi ngày trong trận chiến giành Bakhmut, với tốc độ “không bền vững”. Điều này có thể ảnh hưởng đến chiến dịch mùa xuân đã được lên kế hoạch mà phương Tây hy vọng sẽ mang tính quyết định trong cuộc xung đột.

Thậm chí, Lầu Năm Góc đã bày tỏ quan ngại với Kiev về vấn đề này, cảnh báo Ukraine về tình trạng lãng phí đạn dược. Tờ báo lưu ý rằng Mỹ và các đồng minh “không tích trữ vũ khí để chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh bằng pháo”.

Một lực lượng đặc nhiệm bí mật của Anh đang cố gắng tìm mua đạn pháo theo cỡ nòng của Liên Xô từ khắp nơi trên thế giới. Mỹ và NATO cũng đã cố gắng sản xuất một số loại đạn pháo để sử dụng trong cuộc tấn công sắp tới.

Một quan chức Lầu Năm Góc mô tả động thái trên là “nỗ lực cuối cùng”, bởi phương Tây không có đủ đạn dược để đáp ứng kịp mức độ sử dụng của Ukraine.

Tờ New York Times cho biết rằng các kho dự trữ đạn dược riêng của NATO đang ở mức thấp nghiêm trọng và sẽ mất nhiều tháng để thúc đẩy sản xuất có hiệu quả. Nếu thiếu pháo, hàng trăm xe tăng và xe bọc thép mới mà phương Tây đang gửi cho Ukraine sẽ có hiệu quả hạn chế.

Các quan chức giấu tên cũng cho rằng Ukraine đã hứng chịu thương vong nghiêm trọng. Theo nguồn tin, trên 100.000 binh sĩ bị thương hoặc thiệt mạng kể từ đầu xung đột cho đến nay. Giới chức nhấn mạnh Kiev phải lựa chọn quyết định giữ Bakhmut hay bảo vệ lực lượng cho “một cơ hội có ý nghĩa duy nhất trong năm nay” để tiến hành cuộc tấn công.

Mặc dù Mỹ hạ thấp tầm quan trọng của Bakhmut, nhưng Tổng thống Volodymyr Zelensky đã quyết định bảo vệ thị trấn này bằng mọi giá. Ông tuyên bố sẽ không có khu vực nào của Ukraine có thể bị bỏ lại.

Giới phân tích cho rằng tiêu tốn quá nhiều vào thành phố Bakhmut sẽ làm tiêu hao nguồn lực của Ukraine và ngăn cản quân đội nước này tiến xa hơn về phía Tây.

Ông Camille Grand - chuyên gia quốc phòng tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu Âu – cho hay: “Nói cách khác thì họ bị kéo vào một tình thế mà về dài hạn sẽ có lợi cho Nga và hiện nay khó có thể thoát ra”.

Hải Vân/Báo Tin tức (Theo RT)
Những khác biệt khiến cuộc khủng hoảng tài chính thế giới 2008 khó tái diễn
Những khác biệt khiến cuộc khủng hoảng tài chính thế giới 2008 khó tái diễn

Từ ngày 8/3 tới nay, thế giới đón nhận một loạt tin sốc, từ sự sụp đổ của một ngân hàng nhỏ ít ai để ý là Silvergate Bank, tới sự sụp đổ của ngân hàng đứng thứ 16 tại Mỹ - Silicon Valley Bank (SVB) và gần đây nhất là việc ngân hàng có tính chất toàn cầu Credit Suisse của Thuỵ Sỹ rơi vào khốn khó. Tuy nhiên, dư luận đã được trấn an không chỉ bởi các tuyên bố của lãnh đạo mà lo lắng cũng dịu bớt khi thấy những hành động thực tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN