Nga và AL phản đối giải pháp quân sự cho cuộc xung đột ở Libya

Ngày 23/6, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định không có giải pháp quân sự nào cho cuộc xung đột ở Libya.

Chú thích ảnh
Lực lượng Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya (GNA) trong cuộc giao tranh với lực lượng tự xưng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) tại Tripoli ngày 18/4/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Phát biểu tại họp báo, Ngoại trưởng Lavrov tuyên bố các bên cần nhất trí rằng sẽ không có một giải pháp quân sự nào cho tình hình tại Libya, đồng thời kêu gọi triển khai đàm phán và hướng đến các thỏa thuận.

Theo ông, sẽ không có giải pháp nào khác cho cuộc xung đột này ngoài một lệnh ngừng bắn lập tức và một giải pháp chính trị trên cơ sở đàm phán theo đúng các thỏa thuận đạt được tại hội nghị Berlin vào tháng 1 vừa qua. Ông nêu rõ giải pháp chính trị này nên do chính người dân Libya đạt được, đồng thời nhấn mạnh các lực lượng bên ngoài cần nỗ lực tạo điều kiện cho cuộc đối thoại toàn diện diện trong nội bộ Libya.

Cùng ngày, Tổng Thư ký Liên đoàn Arab Ahmed Abul Gheit cũng đã lên tiếng phản đối mọi sự can thiệp quân sự từ bên ngoài tại Libya. Phát biểu tại hội nghị trực tuyến khẩn cấp về tình hình Libya giữa các ngoại trưởng Arab theo đề xuất của Ai Cập, ông Abul Gheit nhấn mạnh rằng không có giải pháp quân sự nào có thể giúp đạt được hòa bình và ổn định tại Libya, hay đem lại thắng lợi cho bất kỳ bên nào. Ông kêu gọi các bên duy trì đoàn kết và độc lập của Libya, cho rằng bất kỳ sự can thiệp nào từ bên ngoài cũng sẽ gây chia rẽ quốc gia.

Ông tuyên bố mục tiêu của hội nghị là hướng tới chấm dứt giao tranh, giảm bớt leo thang quân sự, đạt được lệnh ngừng bắn ngay lập tức, đặc biệt là tại khu vực quanh thành phố chiến lược Sirte. Theo ông, bất kỳ thỏa thuận ngừng bắn nào cũng không thể kéo dài trừ phi các tay súng nước ngoài và lính đánh thuê rút khỏi đây.

Trước đó một ngày, AL cũng đã tổ chức một cuộc họp trực tuyến về tình hình Libya. Các cuộc họp trên diễn ra sau khi Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi tuyên bố những bước tiến gần đây của lực lượng Chính phủ đoàn kết dân tộc (GNA) do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn tại Libya có thể khiến quân đội Ai Cập phải can thiệp quân sự tại quốc gia láng giềng này.

Trong những tuần gần đây, nhờ có sự hỗ trợ của Thổ Nhĩ Kỳ, GNA được Liên hợp quốc (LHQ) công nhận tại thủ đô Tripoli đã đạt được nhiều bước tiến về quân sự trước các lực lượng trung thành với Tướng  Khalifa Haftar. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã hối thúc các lực lượng miền Đông của Tướng Haftar rút khỏi thành phố Sirte chiến lược nhằm đạt được thỏa thuận ngừng bắn. Trước tình hình này, Tổng thống al-Sisi khẳng định khu vực Sirte-Jufra là "ranh giới đỏ" đối với Ai Cập, viện dẫn tầm quan trọng của bảo vệ biên giới làm cơ sở  để "sự can thiệp trực tiếp" vào Libya. Theo ông, Ai Cập có quyền tự bảo vệ sau khi nhận thấy những mối đe dọa trực tiếp từ các lực lượng được nước ngoài hậu thuẫn. 

Libya rơi vào tình trạng chia rẽ chính trị và bạo lực leo thang kể từ sau cuộc chính biến năm 2011 lật đổ nhà lãnh đạo Moamer Gadhafi. GNA được LHQ công nhận hiện hoạt động ở thủ đô Tripoli, được các nhóm vũ trang và Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn, trong khi lực lượng tự xưng Quân đội quốc gia Libya (LNA) trung thành với Tướng Khalifa Haftar hậu thuẫn chính quyền ở miền Đông và được Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Nga, Ai Cập ủng hộ.

Đặng Ánh (TTXVN)
Quốc tế kêu gọi ngừng bắn và nối lại hòa đàm ở Libya
Quốc tế kêu gọi ngừng bắn và nối lại hòa đàm ở Libya

Cộng đồng quốc tế đã bày tỏ quan ngại về những diễn biến căng thẳng mới tại Libya, kêu gọi các bên liên quan tuân thủ một lệnh ngừng bắn, mở đường cho việc nối lại các cuộc đàm phán nhằm giải quyết xung đột tại quốc gia Bắc Phi này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN