Phát biểu trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Iran Javad Zarif , Ngoại trưởng Cavusolgu nêu rõ việc trì hoãn cuộc họp cấp cao giữa Ankara và Moskva theo kế hoạch diễn ra ngày 14/6 vừa qua không liên quan bất kỳ vấn đề nào xung quanh "các nguyên tắc cốt lõi" giữa hai bên về các vấn đề Libya và Syria.
Người đứng đầu Bộ ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cũng nhấn mạnh nước này và Nga vẫn sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc đàm phán về một lệnh ngừng bắn tại Libya bất chấp cuộc họp cấp cao nói trên chưa thể diễn ra theo kế hoạch.
Ngoại trưởng Cavusolgu nhấn mạnh Ankara và Moskva quyết định "việc tiếp tục đàm phán về mặt kỹ thuật sẽ hữu ích hơn". Bên cạnh đó, ông cho rằng sẽ là "không thực tế" nếu hai bên đưa ra các quyết định mà không tham vấn phía Libya, "đặc biệt là chính phủ hợp pháp" của quốc gia Bắc Phi này.
Theo truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ, nước này và Nga vẫn bất đồng nhiều chi tiết liên quan một lệnh ngừng bắn tại Libya, song đã nhất trí hạ cấp đàm phán nhằm nỗ lực giải quyết những vấn đề còn tồn đọng. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Cavusoglu khẳng định không có bất kỳ quan điểm khác biệt nào xung quanh "các nguyên tắc cơ bản" liên quan vấn đề Libya và điều quan trọng là ngăn không để có thêm lệnh ngừng bắn nào nữa bị đổ vỡ.
Ai Cập gần đây kêu gọi thực hiện lệnh ngừng bắn trong khuôn khổ sáng kiến thành lập một hội đồng lãnh đạo qua bầu chọn đối với Libya. Sáng kiến được đưa ra sau một loạt chiến thắng quân sự của Chính phủ Đoàn kết Dân tộc (GNA) được LHQ công nhận chống lại lực lượng tự xưng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) trung thành với Tướng Khalifa Haftar. GNA được Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ trong khi LNA được Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Nga ủng hộ.
Đề xuất của Ai Cập được Nga và UAE hoan nghênh. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ quan điểm phản đối do cho rằng đề xuất này nhằm bảo vệ Tướng Khalifa Haftar sau khi lực lượng trung thành với ông thực hiện cuộc tấn công bất thành nhằm kiểm soát thủ đô Tripoli.
Libya rơi vào tình trạng chia rẽ chính trị và bạo lực leo thang kể từ sau cuộc chính biến năm 2011 lật đổ nhà lãnh đạo Moamer Gadhafi. Bạo lực gia tăng kể từ tháng 4/2019 khi Tướng Haftar bắt đầu chiến dịch quân sự nhằm giành quyền kiểm soát thủ đô Tripoli từ GNA. Số liệu thống kê mới nhất của Phái bộ gìn giữ hòa bình LHQ tại Libya (UNSMIL) cho thấy hơn 16.000 người Libya đã phải rời bỏ nhà cửa trong các cuộc đụng độ mới đây giữa GNA và LNA.