Ngày 27/8, hãng RIA Novosti đưa tin rằng lãnh đạo Bộ Quốc phòng Nga đã ký thỏa thuận với đơn vị thiết kế tên lửa NPO Mashinostroyenia. Theo thỏa thuận, việc chuyển giao tên lửa Zircon sẽ được thực hiện từ năm 2022. Sự kiện này ghi dấu lần đầu tiên tổ hợp tên lửa siêu thanh chống hạm được triển khai thường xuyên.
Zircon được đặt biệt danh là “sát thủ tàu sân bay” vì chỉ cần một đầu đạn duy nhất đã có khả năng hạ gục các mục tiêu lớn.
Trong tháng 7, một chiến hạm đã phóng thử thành công tên lửa Zircon trên Bắc Cực. Theo các quan chức, tên lửa này đã tấn công trúng mục tiêu tại Bạch Hải qua lần phóng trực tiếp ở khoảng cách 350km. Cuộc thử nghiệm đã xác nhận năng lực chiến thuật và kỹ thuật của Zircon cũng như tốc độ bay của tên lửa này vào khoảng 7 Mach”. Điều này có nghĩa là Zircon bay nhanh gấp 7 lần tốc độ âm thanh.
Dưới đây là video do Bộ Quốc phòng Nga công bố ngày 19/7 về thử nghiệm tên lửa Zircon (nguồn: RT):
Chỉ vài tuần trước, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Chiến lược Mỹ, Đô đốc Charles Richard đã cảnh báo rằng “cấu trúc cảm biến trên mặt đất và không gian hiện tại của Mỹ có thể không còn đủ năng lực để phát hiện và theo dõi các tên lửa siêu thanh”. Theo Đô đốc Charles Richard, các hạm đội của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) có thể trở nên dễ bị tổn thương nếu những công nghệ không theo kịp tốc độ phát triển tên lửa của Nga.
Nhiều sự việc căng thẳng giữa các tàu chiến của NATO và thủy thủ Nga trong những tuần gần đây đã gây ra lo ngại về cuộc xung đột trên biển tiềm ẩn. Một ví dụ trong tháng 6 là khi tàu khu trục HMS Defender của Hải quân Anh di chuyển qua vùng biển Crimea. Nga ngày 23/6 tuyên bố đã nổ súng cảnh báo và thả bom dọc đường di chuyển của chiến hạm Anh để đuổi phương tiện này khỏi khu vực Biển Đen ngoài khơi Crimea.
Nga đã cảnh báo Anh và Mỹ về việc điều chiến hạm tới Biển Đen, coi đây là hành vi “liều lĩnh”. Moskva khẳng định sẽ bảo vệ biên giới bằng mọi biện pháp, trong đó bao gồm cả biện pháp quân sự.