Hãng thông tấn AFP dẫn báo cáo của Viện nghiên cứu SIPRI ngày 7/12 cho biết ngành công nghiệp vũ khí Mỹ chiếm giữ 61% doanh thu của nhóm 25 nhà sản xuất vũ khí hàng đầu thế giới hồi năm ngoái. Trong khi đó, Trung Quốc xếp vị trí thứ hai với 45,3%.
Tổng doanh số bán vũ khí của nhóm 25 nhà sản xuất trên đã tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2018, lên mức 361 tỷ USD hay gấp 50 lần khoảng ngân sách thường niên của Liên hợp quốc dành cho hoạt động gìn giữ hòa bình.
Trong số 10 tập đoàn vũ khí lớn mạnh nhất có 6 đại diện của Mỹ và 3 đại diện của Trung Quốc. Các công ty Mỹ Lockheed Martin, Boeing, Northrop Grumman, Raytheon và General Dynamics chiếm giữ 5 vị trí đầu bảng, trong khi AVIC, CETC vaf Norinco của Trung Quốc lần lượt đứng thứ 6, 8 và 9. Tập đoàn BAE Systems của Anh xếp thứ 7. Cuối danh sách là L3Harris Technologies của Mỹ.
Bà Lucie Beraud-Sudreau, Giám đốc Chương trình chi tiêu vũ khí và quân sự của SIPRI, trả lời AFP rằng Mỹ đã thống trị thị trường vũ khí nhiều thập kỷ, song với Trung Quốc – doanh thu tăng gần 5% năm 2019 – sự tăng trưởng này tương ứng với việc thực hiện các cải cách hiện đại hóa Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) từ năm 2015. Lợi nhuận thu từ vũ khí của Trung Quốc năm 2019 chiếm giữ khoảng 16% doanh thu của cả nhóm. Bốn công ty của nước này lọt vào tốp 25 thì có ba đại diện đứng trong tốp 10.
Bà lưu ý: “Khu vực châu Âu có chút phân tán. Tuy nhiên, nếu gộp các tập đoàn châu Âu cùng nhau sẽ thấy chúng có quy mô tương đương các đối tác ở Mỹ và Trung Quốc”.
Hãng Airbus của châu Âu xếp thứ 13 và Thales của Pháp xếp thứ 14 trong tốp 25 có thể tự hào về mức độ hiện diện quốc tế mạnh nhất. Cả hai hãng đều có mặt tại 24 nước, vượt xa Boeing của Mỹ. Theo bà Beraud-Sudreau, những đại diện của châu Âu được quốc tế hóa nhiều hơn.
Đột phá tại Trung Đông
Lần đầu tiên, một công ty ở Trung Đông lọt vào tốp 25 nhà sản xuất vũ khí hàng đầu thế giới. Tập đoàn EDGE của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất được hợp nhất từ 25 công ty quốc phòng đơn lẻ năm 2019.
Theo nhà nghiên cứu Pieter Wezeman của SIPRI, tại vị trí số 22, EDGE là minh chứng tốt cho thấy sự kết hợp giữa nhu cầu cao về dịch vụ và vũ khí quân sự cùng với mong muốn giảm phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài đã thúc đẩy sự phát triển của những tập đoàn ở Trung Đông
Viện SIPRI cũng lưu ý việc công ty Dassault của Pháp đã thăng hạng từ vị trí 38 lên 17 nhờ gia tăng xuất khẩu chiến đấu cơ Rafale năm 2019. Trong danh sách trên còn có sự góp mặt của hai tập đoàn vũ khí Nga là Almaz-Antey ở vị trí 15 và United Shipbuilding ở vị trí 25.
Bà Beraud-Sudreau cho rằng vài năm trở lại đây, các công ty của Nga đã được định hình tốt hơn nhờ chương trình hiện đại hóa quân đội quy mô lớn, song hoạt động kinh doanh đã chậm lại đáng kể. Nền kinh tế Nga đã bị tác động rõ rệt bởi loạt lệnh trừng phạt do quốc tế áp đặt liên quan việc Moskva sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014 cũng như tình trạng giảm giá khí đốt và năng lượng.
“Nga đã phải làm chậm lại các kế hoạch để hiện đại hóa thiết bị quân sự. Do đó, lượng đơn đặt hàng ít đi, ít dự án mới hơn, dẫn đến giảm doanh thu”, nữ giám đốc trên nhận xét.