Theo một tài liệu được công bố ngày 21/6, Không quân Mỹ đang tìm kiếm những đơn vị có khả năng và kinh nghiệm để lắp GBU-43 vào “pháo đài bay” B-52.
"Pháo đài bay" B-52 của quân đội Mỹ. Ảnh: AP
|
B-52 có hạn chế là không chở theo được vũ khí hạng nặng dưới cánh. Do đó, B-52 thường gặp khó khăn đối với vũ khí nặng hơn 2.267 kg.
Trong khi đó, GBU-43 nặng hơn 10 tấn, trong đó 8 tấn là chất nổ. Sức công phá của quả bom này tương đương với 11 tấn thuốc nổ TNT và tác động đến phạm vi hơn 1,6 km.
Ngoài ra, cửa khoang đựng vũ khí của B-52 chỉ dài 8,5m trong khi đó bom GBU-43 có chiều dài là 9,1 m.
B-52 cũng có thể chở theo bom hạt nhân, vốn nhỏ hơn MOAB nhưng có sức công phá lớn hơn.
Tờ Air Force Times dẫn lời ông Bill Roggio tại Quỹ Quốc phòng Dân chủ (tổ chức phi lợi nhuận trụ sở tại Mỹ) phân tích: “Bom GBU-43 sẽ hút tất cả lượng oxy và ‘châm lửa’ khiến không khí bốc cháy”.
Lần đầu tiên GBU-43 được sử dụng trên mặt trận là trong cuộc tấn công của Mỹ nhắm vào mục tiêu tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại quận Achin, tỉnh Nangarhar, Afghanistan ngày 13/4/2017 (video dưới, nguồn: RT).
Tuy nhiên, GBU-43 đã nằm trong phiên chế của quân đội Mỹ trong hơn một thập kỷ. Không quân Mỹ đã thiết kế GBU-43 trong năm 2002 và vào thời điểm đó được coi như vũ khí phi hạt nhân mạnh nhất từng được sản xuất. Đến năm 2007, một vũ khí của Nga có biệt danh “Bom Bố” lại được đánh giá có sức mạnh đáng sợ hơn.