Trong bản báo cáo này, ông Guterres cho biết cơ quan chức năng của LHQ đã kiểm tra những mảnh vỡ của loại vũ khí được sử dụng trong vụ tấn công nhằm vào cơ sở dầu mỏ ở Afit hồi tháng 5, sân bay quốc tế Abha hồi tháng 6 và hai vụ tấn công nhằm vào cơ sở dầu mỏ của tập đoàn Saudi Aramco ở Khurais và Abqaiq tháng 9/2019.
Các chuyên gia LHQ kết luận, tên lửa hành trình và các bộ phận của tên lửa được sử dụng trong 4 vụ tấn công này có xuất xứ từ Iran, các thiết bị bay không người lái tham gia vụ tấn công tháng 5/2019 và tháng 9/2019 cũng có xuất xứ Iran.
Tổng Thư ký LHQ cho biết những vũ khí này có thể đã được chuyển giao cho các lực lượng khác theo cách thức đi ngược lại nghị quyết năm 2015 của HĐBA ngăn cấm hành vi có khả năng phục vụ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Tehran.
Phái đoàn Iran tại Liên hợp quốc không đưa ra bình luận khi được hỏi về báo cáo mới công bố của LHQ.
Theo thông lệ, Tổng thư ký LHQ sẽ có hai lần trình bày báo cáo trước HĐBA về việc thực thi cấm vận vũ khí chống Iran và những lệnh trừng phạt khác còn hiệu lực sau khi thỏa thuận hạt nhân Iran được ký kết. HĐBA LHQ dự kiến thảo luận báo cáo của Tổng thư ký vào cuối tháng này.
Động thái này diễn ra tại thời điểm Mỹ đang hối thúc 15 nước ủy viên HĐBA LHQ gia hạn lệnh cấm vận vũ khí chống Iran sẽ hết hiệu lực vào tháng 9 năm nay. Nga và Trung Quốc đã phát đi tín hiệu phản đối đề xuất này của Mỹ.
Trong báo cáo dài 14 trang này, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres kêu gọi tất cả các thanh viên HĐBA tránh có tuyên bố, hành động gây hấn có thể gây ra tác động đối với ổn định tại khu vực.