Đài Sputnik dẫn lại thông tin trên trang Dịch vụ phân phối thông tin và hình ảnh quốc phòng (DVIDS) cho hay hình ảnh của những chiếc F-15E ngày 31/7 cho thấy chúng được trang bị bom chùm. Phi đội máy bay chiến đấu này hiện túc trực tại căn cứ không quân Al Dhafra ở Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất và thuộc Phi đội máy bay viễn chinh số 336.
DVIDS cho biết: “Nhiệm vụ của các tiêm kích F-15E là tuần tra chiến đấu trên không tại Vịnh Ba Tư và hộ tống các tàu hải quân khi chúng đi qua Eo biển Hormuz. F-15E là tiêm kích tấn công được thiết kế nhằm thực thi các sứ mệnh không đối không và không đối đất. Hiện nay, chúng tham gia hoạt động Tuần tra chiến đấu trên biển (SuCAP) để đảm bảo tự do thương mại hàng hải trong khu vực”.
Theo trang The Drive, một số máy bay F-15E của phi đội số 336 có gắn WCMD – một hệ thống định hướng đạn tùy chỉnh hướng gió được GPS hỗ trợ và có thể chở theo lượng lớn bom chùm.
Ngoài bom chùm, những chiếc F-15E vừa tham gia sứ mệnh tuần tra Vịnh Ba Tư còn được cho là chở theo một đôi tên lửa không đối không tầm trung AIM 120C và một đôi tên lửa dẫn đường hồng ngoại tầm ngắn AIM 9-X Sidewinder.
Theo Công ước Cấm sử dụng Bom chùm mà 116 nước ký năm 2008, bom chùm bị cấm sử dụng vì gây rủi ro nghiêm trọng cho người dân do phạm vi sát thương lớn. Loại bom này chứa nhiều mảnh đạn nhỏ. Đôi khi bom chùm không phát nổ lập tức mà trở thành mìn có thể gây thương tật suốt đời hoặc đe dọa đến tính mạng khi nổ bất ngờ. (Xem video thử nghiệm sức công phá của bom chùm. Nguồn: AirSource Military)
Phía Washington chưa đưa ra phản hồi chính thức liên quan đến vấn đề trên. Diễn biến này xảy ra trong bối cảnh Mỹ đang ra sức xây dựng một liên minh hải quân quốc tế để tuần tra Eo biển Hormuz khi căng thẳng với Iran tiếp tục leo thang.
Liên quan đến chiến thuật “gây sức ép tối đa” của Washington đối với Tehran, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã mời Đức, Pháp và Anh tham gia sứ mệnh tuần tra tại Vịnh Ba Tư cùng với Nhật Bản, Australia, Na Uy và Hàn Quốc. Trong khi Berlin từ chối, London tuyên bố có kế hoạch riêng để lập ra “một sứ mệnh bảo vệ hàng hải do châu Âu lãnh đạo” nhằm đáp trả việc Tehran bắt giữ tàu chở dầu của nước này.
Cũng trong ngày 31/7, Mỹ áp đặt trừng phạt nhằm vào Ngoại trưởng Iran Javad Zarif. Theo đó, bất kỳ tài sản nào thuộc sở hữu của ông Zarif tại Mỹ hoặc do các thực thể Mỹ nắm quyền kiểm soát sẽ bị đóng băng.
Ngoài ra, Mỹ cũng áp đặt hạn chế đi lại đối với quan chức này. Ngay sau đó, Ngoại trưởng Zarif đã chỉ trích động thái trên của Washington, tuyên bố việc Mỹ áp đặt trừng phạt “không ảnh hưởng tới ông và gia đình của ông khi ông không có tài sản hay lợi ích nào ở bên ngoài Iran”.
Phản ứng về vấn đề trên, Tổng thống Iran Hassan Rouhani ngày 1/8 nhấn mạnh Washington đang hành xử "một cách trẻ con". Theo ông, dù tuyên bố muốn đối thoại không kèm theo điều kiện tiên quyết nào, song Mỹ lại áp đặt trừng phạt đối với Ngoại trưởng Iran.
Đại diện ngoại giao của Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) cũng lên tiếng phản đối quyết định trừng phạt của Washington. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nêu rõ Bắc Kinh phản đối Washington áp đặt trừng phạt đơn phương đối với quan chức ngoại giao hàng đầu Iran, đồng thời kêu gọi nước này thực thi các nỗ lực nhằm duy trì ổn định ở Trung Đông.