Hàn Quốc tham gia liên minh, điều chiến hạm 4.500 tấn tới vịnh Ba Tư?

Hàn Quốc đang lên kế hoạch cử một tàu khu trục tải trọng 4.500 tấn tới Eo biển Hormuz như một phần trong lực lượng hải quân do Mỹ dẫn đầu với mục đích bảo vệ tàu chở dầu đi qua tuyến đường hàng hải then chốt này.

Chú thích ảnh
Đơn vị tinh nhuệ Cheonghae 302 của Hàn Quốc. Ảnh: Getty Images

Theo báo Anh Express, tàu khu trục trên trực thuộc Cheonghae 302, một đơn vị tinh nhuệ còn được bổ sung một trực thăng chống tàu ngầm Lynx và ba tàu cao tốc. Đơn vị Cheonghae 302 có thể gia nhập hạm đội gắn cờ Mỹ sau khi Washington kêu gọi thành lập một lực lượng an ninh hàng hải chung trong khu vực.

Động thái của Seoul diễn ra trong bối cảnh căng thẳng bùng phát giữa Iran và Anh trên Eo biển Hormuz sau đòn trả đũa bắt giữ tàu chở dầu lẫn nhau.

Một quan chức Chính phủ Hàn Quốc cấp cao giấu tên cho biết quốc gia này quyết định rút một đơn vị tinh nhuệ khỏi vùng biển Somali - nơi họ làm nhiệm vụ tham gia cuộc chiến chống cướp biển – để điều động sang vùng Vịnh.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc hiện chưa đưa ra bất kỳ lời bình luận nào về thông tin này, song Bộ trên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ các tàu chở hàng. “Tất nhiên chúng tôi phải bảo vệ tàu của mình đi qua Eo biển Hormuz. Vì vậy chúng tôi đang xem xét nhiều phương án”, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Ro Jae-cheon cho biết.

Tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố Washington đã đề nghị Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Đức, Australia tham gia liên minh. Các phương tiện truyền thông cho rằng trong một cuộc họp diễn ra tuần trước, chính Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton là người gây sức ép đối với Seoul để cử lực lượng hải quân tới vùng Vịnh.

Đơn vị tinh nhuệ Cheonghae 302 từng có cơ hội làm việc với lực lượng Mỹ và Liên minh châu Âu trong một vài dịp khi giải quyết vấn nạn cướp biển. Từ năm 2009, đơn vị này đóng quân tại Vịnh Aden, nằm giữa Somali và Yemen.

Các cuộc tấn công gần đây vào một số tàu chở dầu trên Eo biển Hormuz đang khiến hàng chục quốc gia có tàu đi qua tuyến đường hàng hải này đề cao cảnh giác.

Căng thẳng leo thang vào đầu tháng Bảy sau khi Iran bắt giữ một tàu chở dầu gắn cờ Anh như đòn trả đũa quyết định của London về việc bắt giữ một tàu chở dầu trước đó của Tehran. Sự cố trên đã khiến một vài quốc gia tích cực tìm kiếm giải pháp an ninh cho tàu chở hàng của họ.

Diễn biến mới ở Seoul xảy ra chỉ một ngày sau khi Bộ Quốc phòng Anh tuyên bố đã cử khu trục hạm thứ hai của Hải quân Hoàng gia Anh đến Vịnh Ba Tư.

“Các tàu thương mại phải được tự do đi lại hợp pháp và giao dịch an toàn ở mọi nơi trên thế giới. Tôi tin rằng khu trục hạm HMS Duncan sẽ tiếp tục hoàn thành tốt công việc của tàu HMS Montrose trong nhiệm vụ giúp bảo đảm an toàn tuyến đường trọng yếu này. Hải quân Hoàng gia sẽ tiếp tục cung cấp biện pháp bảo vệ cho các tàu của Anh đi qua khu vực", Bộ Quốc phòng Anh nhấn mạnh.

Căng thẳng giữa Iran và phương Tây cũng gia tăng từ đầu tháng này sau khi Tehran thông báo cắt giảm cam kết đối với Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA) để đáp trả quyết định đơn phương rút khỏi thỏa thuận của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 5 năm ngoái.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức
Anh bác đề xuất trao đổi tàu bắt giữ của Iran
Anh bác đề xuất trao đổi tàu bắt giữ của Iran

Ngày 29/7, Anh đã kêu gọi Iran thả tàu chở dầu Stena Impero treo cờ Anh bắt giữ hơn một tuần trước ở vùng Vịnh, đồng thời bác đề xuất trao đổi tàu của chính quyền Tehran. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN