Khủng hoảng Eo biển Hormuz phơi bày mắt xích lỏng lẻo của liên minh Mỹ

Đức không tham gia liên minh tuần tra của Mỹ đề xuất tại Eo biển Hormuz trên Vịnh Ba Tư, trong khi Pháp vẫn do dự và mới chỉ có nước Anh là đồng ý. 

Hãng tin Bloomberg đánh giá thử thách xây dựng liên minh Hải quân chung trên Vịnh Ba Tư chính là một bài kiểm tra liệu Mỹ - hay ít nhất là Tổng thống Donald Trump – có bất kỳ đồng minh nào ở châu Âu thân thiết hơn Thủ tướng Anh Boris Johnson hay không. 

Không nghi ngờ gì khi Mỹ vẫn có thể tự đảm bảo an ninh Eo biển Hormuz mà không cần đồng minh châu Âu trợ giúp. Nhưng cái khó khăn trong việc tìm kiếm sự ủng hộ rộng rãi hơn đang cho thấy sự lỏng lẻo trong cốt lỗi của liên minh quân sự xuyên Thái Bình Dương. 

Chú thích ảnh
Trực thăng cất cánh từ đường băng trên tàu tấn công đổ bộ USS Boxer của Mỹ khi đi qua Eo biển Hormuz ngày 18/7. Ảnh: U.S. Marine Corps

Ngày 31/7, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã chính thức từ chối gia nhập sứ mệnh do Mỹ đứng đầu nhằm đảm bảo an ninh tại Eo biển Hormuz. Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nhấn mạnh rằng nước này muốn tránh leo thang căng thẳng hơn nữa tại khu vực trên, đồng thời lưu ý không có giải pháp quân sự cho vấn đề này. Ông Maas nêu rõ: "Đức sẽ không tham gia sứ mệnh trên biển do Mỹ lên kế hoạch và đưa ra".

Chính quyền Tổng thống Trump đã đề nghị Đức, Pháp và Anh tham gia sứ mệnh hải quân trên để đảo bảo an ninh tại một trong những tuyến hàng hải nhộn nhịp bậc nhất thế giới, đồng thời để răn đe Iran. Tại Berlin, nữ phát ngôn viên Đại sứ quán Mỹ Tamara Sternberg-Greller từng nói: “Các thành viên của Chính phủ Đức đã rõ ràng rằng cần phải bảo vệ quyền tự do hàng hải. Câu hỏi của chúng tôi là, được bảo vệ bởi ai?”. Đức không nhận lời đề nghị này, vì vậy câu trả lời là: “Không phải chúng tôi”. 

Không giống Pháp hoặc Anh, việc điều động quân đội ở Đức phải được Quốc hội thông qua và gần như mọi đảng phái chính trị ở đây đều phản đối tham gia bất kỳ sứ mệnh chống Iran nào của Mỹ. Quan trọng nhất, không đảng nào trong liên minh cầm quyền ủng hộ đề xuất của Mỹ.

Trong lập luận của đảng Dân chủ Xã hội theo chủ thuyết ôn hòa do nhóm nghị sĩ Nils Schmid thể hiện, bất kỳ lực lượng châu Âu nào ở Vịnh Ba Tư sẽ bị cuốn vào một tình huống mà họ không thể kiểm soát. Theo ông Schmid, về cơ bản điều đó đồng nghĩa với việc khi đứng về phía Washington trong một cuộc xung đột, Đức sẽ không thể rút lui nếu Mỹ quyết định leo thang. 

Đảng Liên minh Dân chủ cơ đốc giáo (CDU) của Thủ tướng Merkel dù không quan tâm đến việc tham gia một hoạt động do Mỹ lãnh đạo, nhưng CDU lại để ngỏ khả năng thiết lập một sứ mệnh chung của châu Âu. Norbert Roettgen, một thành viên CDU và là người đứng đầu Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Đức, viết trên Twitter ngày 31/7: “Quan điểm của CDU là đối với bất cứ sứ mệnh nào như vậy thì chỉ nên quan sát tình hình chứ không tham gia quân sự”. 

Trong ba cường quốc quân sự hàng đầu châu Âu gồm Pháp, Đức và Anh, thì Đức ít quan tâm nhất đến điều gì xảy ra ở Eo biển Hormuz. Berlin chủ yếu nhập khẩu dầu của Moskva và những nước không vận chuyển dầu qua vùng biển này, nên an ninh năng lượng của họ không chịu ảnh hưởng bởi bất kỳ rắc rối nào tại Hormuz. 

Pháp, về phần mình, vẫn chưa chính thức quyết định. Tổng thống Emmanuel Macron đã điện đàm với người đồng cấp Iran Hassan Rouhani hôm 30/7 trong một nỗ lực nhằm giảm bớt căng thẳng với Mỹ. Quyết định điều tàu chiến tham gia một chiến dịch quân sự do Mỹ dẫn đầu hoặc các sứ mệnh khác của châu Âu hay không có thể sẽ được chốt lại sau cuộc gặp giữa các tùy viên quân sự châu Âu và Mỹ do Anh triệu tập vào tuần tới. 

Đa số dầu thô của Pháp nhập từ Vịnh Ba Tư và Saudi Arabia là nước cung cấp nhiều nhất cho Pháp. Vì vậy, không giống Đức, Pháp có quyền lợi trực tiếp tại khu vực này. Điều này ít nhất giải quyết phần nào sự lưỡng lự của ông Macron. 

Lập luận của nghị sĩ Nils Schmid được đánh giá là phù hợp với cả Đức lẫn Pháp. Xét tới tính cách của Tổng thống Trump cùng đội ngũ cố vấn mang lập trường cứng rắn, việc cử chiến hạm đến Vịnh Ba Tư tiềm ẩn nguy cơ bị mắc kẹt vào một cuộc chiến tranh khác của Mỹ tại Trung Đông. 

Paris và Berlin đã may mắn đã tránh được “mối tơ vò” Iraq năm 2003 song không thoát được sự can thiệp quan sự của khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) năm 2011 ở Libya. Lợi ích từ việc châu Âu tham gia vào chiến dịch này vẫn còn gây ngờ vực: Việc Libya hỗn loạn và sự sụp đổ của nhà lãnh đạo M. Gaddafi chính là xuất phát điểm quan trọng của làn sóng người tị nạn kéo đến châu Âu năm 2015.

Chú thích ảnh
Tàu tuần tra của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran chạy xung qunah tàu chở dầu treo cờ Anh Stena Impero. Ảnh: AFP

Anh là quốc gia có quan tâm nhiều nhất đến sứ mệnh quân sự tại Eo biển Hormuz. Iran vẫn đang giữ tàu chở dầu Stena Impeo của Anh, trong khi Saudi Arabia là nước xuất khẩu nhiên liệu cho ngành hàng không lớn nhất của "đảo quốc sương mù". Với việc không đủ lực lượng ở Vùng Vịnh và Hải quân Hoàng gia Anh đang giảm sút, London háo hức được hợp tác với Washington chẳng có gì khó hiểu. 

Khác Berlin và Paris, London chưa từng tìm kiếm sự tự chủ chiến lược từ Washington. Mặc dù vậy, sự kiện ông Boris Johnson trở thành tân Thủ tướng Anh được đánh giá sẽ dẫn đến việc nước này trở thành một đối tác nhiệt tình của Mỹ. Ông Johnson có thể đúng khi hợp tác với Mỹ, khác những người đồng cấp khác tại châu Âu. Mỹ mạnh hơn tất cả trong khi ông Jonhson đang muốn đưa Anh rời khỏi châu Âu nhanh chóng bằng mọi giá.  

Chính sách đối ngoại khó lường của Mỹ thời gian qua đã khiến các đồng minh chủ chốt của NATO trở nên thận trọng khi tham gia, ngay cả khi Washington không đề xuất chiến tranh toàn diện với một quốc gia xa xôi nào đó mà chỉ là một hoạt động nhằm bảo đảm cho tuyến đường biển huyết mạch khỏi một đối phương không có khả năng đương đầu với liên minh phương Tây rộng lớn.

Hoàng Trang/Báo Tin tức
Tổng thống Pháp và Iran điện đàm về căng thẳng Iran - Mỹ
Tổng thống Pháp và Iran điện đàm về căng thẳng Iran - Mỹ

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 30/7 đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Iran Hassan Rouhani và nhắc lại lời kêu gọi giảm căng thẳng giữa Iran và Mỹ. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN