Hãng RT đưa tin khái niệm trên do Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov giới thiệu tại trụ sở Bộ Ngoại giao ở Moskva ngày 23/7, trước sự chứng kiến của các nhà ngoại giao tới từ Iran, các nước Vùng Vịnh, Mỹ, Anh, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU)... Khái niệm mới công bố chỉ ra rằng an ninh tại Vịnh Ba Tư là “một trong những vấn đề chính của khu vực hiện nay”, lưu ý tình trạng căng thẳng ở khu vực chiến lược này vẫn duy trì ở mức cao suốt nhiều thập kỷ qua, đe dọa sự thịnh vượng kinh tế và chính trị trên quy mô toàn cầu.
Moskva tin rằng việc tạo ra một cơ chế an ninh tập thể và hợp tác tại Vịnh Ba Tư, với sự tham gia bình đẳng của tất cả các nước trong khu vực, sẽ là câu trả lời thỏa đáng cho những thách thức trên. Nhóm quốc tế này có thể bao gồm Nga, Trung Quốc, Mỹ, EU và Ấn Độ dưới tư cách nước quan sát hoặc thành viên tham gia.
Để điều này thành hiện thực, các nước Vùng Vịnh nên tránh sử dụng vũ lực, tôn trọng chủ quyền của lẫn nhau, thực hiện các nghĩa vụ quốc tế của họ, đồng thời giải quyết tất cả tranh chấp tiềm ẩn thông qua đàm phán, ngoại giao. Giữa quân đội các nước trong khu vực nên đạt được mức độ đối thoại và minh bạch nhất định, bao gồm việc thiết lập đường dây nóng và cảnh báo trước về những kế hoạch tập trận, đường bay của máy bay quân sự.
“Từ bỏ hoạt động triển khai quân đội lâu dài của những quốc gia ngoài khu vực trên lãnh thổ Vịnh Ba Tư” cũng được liệt kê trong số các điều kiện quan trọng nhất cho sự ổn định này.
Xem video tàu chiến và máy bay quân sự của Mỹ tập trận trên Biển Arab - cửa ngõ của Iran. Nguồn: RT
Những quốc gia xung quanh vùng biển “nóng” này nên ký kết các hiệp ước kiểm soát vũ khí, tiến tới thiết lập vùng phi quân sự và chống tích lũy vũ khí. Để phù hợp với Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, họ cũng nên phối hợp để biến Vùng Vịnh thành một khu vực không có vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Trong Khái niệm An ninh Tập thể tại Vịnh Ba Tư, Mokva cũng bày tỏ niềm tin rằng các nước Vùng Vịnh nên hợp tác chống khủng bố, ngăn chặn tình trạng mua bán vũ khí trái phép cũng như nạn buôn người và mua bán ma túy. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov thúc giục các bên liên quan tìm giải pháp cho xung đột tại Syria, Yemen và tranh chấp Israel – Palestine khi chúng tạo kẽ hở cho những tổ chức cực đoan hoành hành.
Theo ông Bogdanov, trong lúc Nga tìm kiếm phương án để hạ nhiệt căng thẳng Vùng Vịnh, Anh lại kêu gọi điều động một sứ mệnh “bảo vệ trên biển do châu Âu dẫn đầu” đến Vịnh Ba Tư để hỗ trợ tàu thuyền thương mại di chuyển an toàn. Đề xuất trên được đưa ra sau khi Iran bắt giữ một tàu chở dầu của Anh trên Eo biển Hormuz, hai tuần sau vụ các lực lượng Anh tịch thu tàu chở dầu của Iran ở ngoài khơi Gibraltar.
Mỹ đã mở chiến dịch Sentinel của riêng nước này để tuần tra những cửa ngõ của Vịnh Ba Tư và Biển Đỏ. Quốc gia này đang đàm phán với các đồng minh châu Âu, châu Á cùng các nước trong khu vực để cùng tham gia.
Về vấn đề này, luật sư hàng hải David Mclnnes nói với RT rằng Mỹ và EU chỉ có thể triển khai những sứ mệnh tuần tra trên hợp pháp nếu như họ hoạt động trong vùng biển quốc tế, chứ không thuộc lãnh hải của bất cứ quốc gia Vùng Vịnh nào. Tuy nhiên, khả năng xâm phạm và nhiều loại sự cố khác nhau không thể tránh hoàn toàn bởi Eo biển Hormuz khá hẹp.
Tình hình khu vực này vài tháng trở lại đây đã trở nên đặc biệt căng thẳng khi Washington gia tăng sức ép đối với Tehran. Với việc Mỹ tăng cường hiện diện quân sự, nỗi sợ bùng phát chiến tranh đã gần như trở thành hiện thực sau khi Washington đổ lỗi cho Teheran tấn công các tàu chở dầu nước ngoài, đồng thời sau vụ Iran bắn hạ một máy bay không người lái do thám của Mỹ. Tổng thống Donald Trump cho biết ông thậm chí đã ra lệnh không kích để trả đũa, song rút lại vào phút cuối vì biết con số thương vong sẽ rất lớn.