Chính sách hạt nhân mới của Nga tác động ra sao tới Mỹ và NATO

Theo Giám đốc Cơ quan Tình báo Đối ngoại Nga (SVR) Sergei Naryshkin, danh sách mở rộng các căn cứ để Moskva sử dụng vũ khí hạt nhân trong chính sách răn đe hạt nhân mới cập nhật đã loại bỏ khả năng đánh bại nước này trên chiến trường.

Chú thích ảnh
Tên lửa đạo đạo xuyên lục địa phóng từ tàu ngầm (SLBM) Bulava. Ảnh: Cơ quan báo chí của Hạm đội phương Bắc

Tuyên bố của ông Naryshkin được đưa ra sau khi Tổng thống Vladimir Putin ban hành sắc lệnh nêu rõ các nguyên tắc cơ bản trong chính sách răn đe hạt nhân của Nga. Sắc lệnh nêu rõ một cuộc tấn công trên không lớn nhằm vào Nga - bao gồm cả việc sử dụng tên lửa hành trình và thiết bị bay không người lái - có thể khiến Nga đáp trả bằng hạt nhân.

“Phương Tây đã phản ứng thận trọng với tuyên bố của Tổng thống Putin về các sửa đổi trong chính sách răn đe hạt nhân. Họ hiểu rằng những điều chỉnh mà ông Putin công bố phần lớn nhằm làm giảm giá trị những nỗ lực của Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhằm gây ra 'thất bại chiến lược' cho đất nước chúng tôi”, ông Naryshkin nói trong cuộc phỏng vấn với tạp chí National Defense.

Theo vị quan chức này, việc mở rộng danh sách các căn cứ để sử dụng vũ khí hạt nhân theo kế hoạch đã loại trừ khả năng các nước giành chiến thắng trước lực lượng vũ trang Nga trên chiến trường.

Giám đốc Cơ quan Tình báo Đối ngoại Nga cho biết phương Tây đã nhận ra nhu cầu phải kiềm chế hơn nữa trong quan hệ với Nga để tránh bị cuốn vào một cuộc xung đột quân sự thảm khốc. Ông đồng thời nói thêm: “Kẻ thù buộc phải thừa nhận rằng quyết tâm của Tổng thống Nga trong việc bảo vệ vững chắc các lợi ích cơ bản của đất nước bằng mọi biện pháp có thể sẽ thu hẹp không gian để Washington và Brussels hành động”.

Trước đó, ông Mikael Valtersson, cựu sĩ quan quân đội và cựu tham mưu trưởng của đảng Dân chủ Thụy Điển, nhận định những thay đổi mới nhất đối với học thuyết hạt nhân của Nga có thể được thực hiện bởi 2 lý do chính.

Một là để làm rõ hơn rằng ngay cả các cuộc tấn công từ Ukraine bằng vũ khí thông thường, với sự hỗ trợ tích cực của các cường quốc phương Tây, cũng sẽ được coi là một cuộc tấn công kết hợp vào Nga. Điều này sẽ tạo cơ hội cho Nga hành động quân sự phòng thủ hợp pháp theo luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc. Ông Valtersson lập luận động thái này về cơ bản là nỗ lực của Nga nhằm tăng cường răn đe đối với phương Tây và giảm nguy cơ leo thang của phương Tây ở Ukraine.

Mặt khác, động thái của Nga cũng nhằm đưa các đồng minh vào hoạt động răn đe hạt nhân. “Tóm lại, đây là tín hiệu rõ ràng cho thấy Nga hiện sẵn sàng đảm nhận các nghĩa vụ cần thiết để trở thành một cường quốc toàn cầu thực sự”, ông nói thêm.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết việc sửa đổi học thuyết là cần thiết để phù hợp với bối cảnh chính trị hiện tại. Ông Peskov cũng lưu ý các nhà lãnh đạo nước ngoài nên nghiên cứu kỹ học thuyết hạt nhân sửa đổi của Nga.

“Học thuyết này vô cùng quan trọng và chắc chắn sẽ là chủ đề được phân tích rất sâu sắc cả ở trong nước và nước ngoài”, ông nói.

Về phần mình, Mỹ chưa có ý định thay đổi trạng thái hạt nhân sau khi Nga thông qua học thuyết hạt nhân sửa đổi.

Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng ngày 19/11 cho biết Mỹ không ngạc nhiên trước thông báo của Nga rằng họ sẽ sửa đổi học thuyết hạt nhân. Nga đã báo hiệu ý định cập nhật học thuyết suốt vài tuần.

“Nhận thấy không có sự thay đổi nào trong quan điểm hạt nhân của Nga, chúng tôi không thấy bất kỳ lý do nào để điều chỉnh quan điểm hoặc học thuyết hạt nhân của mình để đáp lại những tuyên bố của Nga ngày hôm nay”, tuyên bố nhấn mạnh.

Hải Vân/Báo Tin tức (Theo Sputnik)
Ý nghĩa của học thuyết hạt nhân sửa đổi của Nga đối với xung đột ở Ukraine
Ý nghĩa của học thuyết hạt nhân sửa đổi của Nga đối với xung đột ở Ukraine

Học thuyết hạt nhân mới hạ thấp tiêu chuẩn, cho phép Nga ta có thể đáp trả ngay cả một cuộc tấn công thông thường được hỗ trợ bởi sức mạnh hạt nhân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN