Nếu như giá dầu thô tăng rất mạnh trong nửa đầu năm 2022, thì bước sang nửa cuối năm 2022, thị trường dầu thô đã có dấu hiệu hạ nhiệt rõ ràng. Kết thúc phiên 28/7, giá dầu thô WTI giảm 0,86% còn 96,42 USD/thùng, còn giá dầu thô Brent nhích nhẹ 0,16% lên 101,83 USD/thùng.
Rủi ro vĩ mô tiếp tục là một lực cản lớn đối với giá dầu
Hiện nay, các Ngân hàng Trung ương lớn trên thế giới đều đang rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan” giữa việc tăng lãi suất để hạ nhiệt lạm phát và duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định của nền kinh tế. Mới đây, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) một lần nữa tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản để nâng lãi suất điều hành lên mức 2,25 - 2,5%.
Lãi suất cao đã và đang tác động tiêu cực đến nền kinh tế Mỹ, phản ánh rõ ràng nhất qua Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong nửa đầu năm 2022. Bộ Thương mại Mỹ mới đây đã công bố GDP nước này giảm 0,9% trong quý II, sau khi đã giảm 1,6% trong quý I. Trên lý thuyết, nền kinh tế được cho là rơi vào suy thoái nếu GDP tăng trưởng âm hai quý liên tiếp.
Không chỉ Mỹ, nguy cơ suy thoái cũng diễn ra ở các khu vực khác trên thế giới, khi mà lạm phát leo thang buộc các Ngân hàng Trung ương phải tăng lãi suất. Thành viên Hội đồng Quản trị Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Ignazio Visco cũng đã cảnh báo về một cuộc suy thoái sẽ xảy ra đối với nền kinh tế tại khu vực đồng tiền chung Euro.
Giá dầu vốn gắn liền với triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế, bởi nhu cầu tiêu thụ dầu sẽ tăng lên khi các hoạt động sản xuất được mở rộng. Vì vậy, việc các nền kinh tế lớn trên thế giới đang giảm tốc sẽ làm suy yếu nhu cầu tiêu thụ dầu và gây sức ép lên giá. Đây cũng là lực cản lớn nhất khiến cho giá dầu thô WTI chật vật chưa thể quay lại mức 100 USD/thùng.
Lo ngại về nguồn cung cân bằng lại những rủi ro suy thoái
Mặc dù triển vọng tiêu thụ dầu đã ảm đạm đi nhiều kể từ sau tháng 6 năm nay, nhiều nhà phân tích vẫn cho rằng tình trạng nguồn cung thắt chặt vẫn còn tồn tại, và nhu cầu tiêu thụ khó có thể giảm mạnh tới mức để về tới điểm cân bằng với nguồn cung.
Những nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới hiện nay là Tổ chức Các nước xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và Mỹ hiện tại đều không có nhiều khả năng sản xuất thêm dầu. Điều này đồng nghĩa với việc, nguồn cung dầu thế giới thậm chí có thể bị cắt giảm hơn nữa, trong bối cảnh các lệnh trừng phạt Nga sẽ có hiệu lực vào cuối năm nay.
OPEC hiện đang không theo kịp sản lượng đã cam kết của nhóm, trong khi đó, các công ty dầu ở Mỹ cũng không có có ý định mở rộng sản xuất. Theo thống kê từ Bloomberg, chi phí đầu tư của các công ty sản xuất dầu lớn bao gồm Exxon Mobil, Shell, Chevron, Total Energies và BP giảm một nửa so với giai đoạn gần nhất mà giá dầu chạm mốc 100 USD/thùng - vào năm 2013. Việc các công ty dầu không sẵn sàng đầu tư hạ tầng, ngay cả khi giá dầu đang ở mức cao như hiện nay có thể là một chỉ báo sớm cho thấy việc cân bằng cán cân cung cầu vẫn là một bài toán vô cùng nan giải.
Báo cáo mới nhất của Cơ quan Quản lý thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) mới đây cho biết dự trữ dầu thô của Mỹ giảm 10,1 triệu thùng và dự trữ xăng giảm 3,3 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 25/7. Tuy nhiên, đáng chú ý, báo cáo này chỉ ra rằng Mỹ đã xuất khẩu 6,32 triệu thùng trong tuần trước, cao hơn so với cùng kỳ năm trước và cả mức trung bình của 4 tuần gần nhất.
Bên cạnh đó, nhiều quốc gia trên thế giới như Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Venezuela và Afghanistan đều mong muốn tăng tiêu thụ dầu của Iran, bất chấp các lệnh cấm vận của Mỹ, bởi các nguyên thủ quốc gia đều muốn đảm bảo nguồn cung dầu, vốn là vấn đề then chốt trong việc giữ gìn an ninh năng lượng của một quốc gia.
Nhu cầu nhập khẩu dầu cao trên thế giới cho thấy triển vọng tiêu thụ có thể không quá tiêu cực như những dự đoán của giới phân tích, hoặc ít nhất vẫn sáng sủa trong ngắn hạn, bất chấp những nguy cơ về suy thoái. Vì thế, giá dầu vẫn đang neo ở các vùng giá cao, và lực mua bắt đáy thường xuất hiện mỗi khi giá có sự điều chỉnh mạnh.
Tuy nhiên, hiện giá dầu khó có thể quay lại được các vùng đỉnh cũ, mà có thể sẽ tiếp tục đi ngang như hiện nay bởi các nhà đầu tư vẫn đang giữ tâm lý thận trọng giữa những rủi ro vĩ mô sẽ làm suy yếu nhu cầu tiêu thụ và những lo ngại về nguồn cung.