Khi cuộc khủng hoảng năng lượng xảy ra hai năm trước, các công ty dầu khí Mỹ mắc nợ nhiều đã nhanh chóng thay đổi bằng cách thắt chặt chi phí, cắt giảm các chương trình khoan dầu tốn kém. Thời kỳ thuận lợi lại đến với các công ty này khi giá dầu và khí đốt cao giúp cải thiện doanh thu.
Tuy nhiên, nhiều công ty sản xuất dầu đá phiến muốn quay trở lại với các giếng dầu đã khoan nhưng chưa khoan xong (DUC). Theo Báo cáo năng suất khoan dầu mới nhất của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, số lượng DUC của Mỹ đã giảm xuống còn 4.245 vào tháng 6/2022, giảm mạnh so với con số đỉnh điểm 8.900 vào năm 2019.
Số lượng DUC giảm mạnh cho thấy rõ ràng rằng các công ty dầu khí của Mỹ đang khoan ít dầu hơn nhiều. Đây là dấu hiệu không tốt cho các công ty dịch vụ mỏ dầu đang thiếu doanh thu. Tuy nhiên, tình trạng này có thể sớm kết thúc.
Công ty Schlumberger Ltd ở Texas đã nâng dự báo doanh thu cả năm của mình sau khi số liệu quý 2 cho thấy công ty tăng trưởng mạnh mẽ trên tất cả các khía cạnh.
Schlumberger cho biết họ hiện đạt doanh thu ít nhất là 27 tỷ USD trong năm nay, tăng 18% so với năm 2021, nhờ nhu cầu về dịch vụ của công ty tăng mạnh nhất trong hơn một thập kỷ. Schlumberger cho biết doanh thu hàng năm sẽ tăng cao nhất trong 11 năm do lo ngại về an ninh năng lượng đang mạnh hơn lo ngại suy thoái.
Giám đốc điều hành Olivier Le Peuch tiết lộ: “Tăng trưởng là nhờ kết hợp thuận lợi giữa hoạt động thăm dò và hoạt động ngoài khơi, cộng với giá dầu ngày càng tăng, từ đó đẩy tăng trưởng hàng quý liên tiếp lên mức cao nhất kể từ năm 2010”.
Schlumberger đã công bố mức tăng trưởng doanh thu quý 2 là 42%, lên 1,53 tỷ USD tại thị trường Bắc Mỹ, trong khi thị trường quốc tế ghi nhận mức tăng trưởng 15% so với cùng kỳ, lên 5,19 tỷ USD.
Trước đó, đã có những lo ngại rằng các công ty lớn như Schlumberger, Halliburton và Baker Hughes sẽ là một trong những nạn nhân đầu tiên của cuộc khủng hoảng Ukraine. Tuy vậy, Giám đốc bộ phận nghiên cứu dịch vụ năng lượng của Rystad Energy, ông Audun Martinsen, nhận định với tờ Financial Times rằng các công ty nhỏ hơn có nhiều khả năng tiếp tục hoạt động vì họ không trực tiếp khai thác hoặc xuất khẩu dầu và tài nguyên thiên nhiên. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh mới nhất của Schlumberger đã chứng minh rằng những lo ngại này là không có cơ sở.
Cổ phiếu Schlumberger đã tăng 8% sau công bố kết quả kinh doanh, nâng mức tăng từ đầu năm lên 11,3%. Tăng trưởng mạnh mẽ của Schlumberger không phải là trường hợp cá biệt.
Các công ty thăm dò dầu khí trên toàn cầu đang nhanh chóng mở rộng tìm kiếm khí đốt tự nhiên và dầu thô trên đất liền và trên biển. Theo dự báo khả quan nhất của ngành này, công ty Schlumberger đã so sánh thời kỳ hiện tại với những ngày đầu năm 2008 khi các nhà thầu khai thác dầu công bố một số kết quả kinh doanh tốt nhất trong lịch sử nhờ giá năng lượng cao.
Ông Scott Gruber, một nhà phân tích tại ngân hàng Citigroup, đã viết trong một lưu ý cho khách hàng: “Chúng tôi cho rằng chu kỳ tăng nhanh trên thị trường quốc tế không chỉ còn kéo dài nhiều năm nữa mà còn sẽ diễn ra ngay cả khi giá dầu thô giảm nhẹ trở lại”.
Theo ông James West, một nhà phân tích tại công ty Evercore ISI, trên toàn cầu, các công ty dầu mỏ dự kiến sẽ tăng chi tiêu 22% trong năm nay lên 450 tỷ USD, đánh dấu mức tăng hàng năm lớn thứ năm kể từ năm 1985.
Theo các công ty dịch vụ mỏ dầu, giá các dịch vụ đã tăng cao hơn và công nhân ngành dầu mỏ cũng ngày càng có nhiều việc làm hơn.
Theo công ty tư vấn toàn cầu Deloitte, công nhân khai thác dầu là một trong những nhóm đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đại dịch COVID-19 vào năm 2020. Trên toàn nước Mỹ, ngành dầu khí ước tính đã mất 107.000 việc làm, ước tính 200.000 người mất việc làm vào thời kỳ đỉnh điểm trong đợt phong tỏa toàn cầu.
Theo tổ chức thương mại Hội đồng Công nghệ và Lực lượng lao động ngành năng lượng, số việc làm tại các mỏ dầu của Mỹ đã tăng lên trong năm qua. Con số này có thể tiếp tục tăng khi làn sóng khai thác, thăm dò dầu khí sôi động trở lại.