Vụ đánh bom đẫm máu ở Kabul đưa Mỹ và Taliban lại gần hơn?

Mỹ cuối cùng cũng chứng kiến mối đe doạ khủng bố thực sự ở Afghanistan đến từ IS chứ không phải Taliban.

Chú thích ảnh
Các tình nguyện viên và nhân viên y tế dỡ thi thể nạn nhân sau hai vụ nổ mạnh khiến ít nhất 60 người thiệt mạng bên ngoài sân bay ở Kabul ngày 26/8/2021. Ảnh: AFP 

Theo tờ Asia Times, vụ tấn công khủng bố kinh hoàng ở Kabul hôm 26/8, khiến ít nhất 13 lính Mỹ và khoảng 170 người khác thiệt mạng, được dự báo sẽ dẫn đến sự hợp tác cao hơn giữa Mỹ và Taliban.

Chỉ huy CENTCOM (Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ), Tướng Kenneth McKenzie, tiết lộ với các nhà báo hôm 26/8 rằng Mỹ đã chia sẻ thông tin về các mối đe dọa khủng bố ở Afghanistan với Taliban. Ông nói: “Chúng tôi chia sẻ các phiên bản của thông tin này với Taliban để họ thực hiện các cuộc truy tìm”.

Mỹ cuối cùng cũng đồng tình với quan điểm của Nga rằng mối đe dọa khủng bố thực sự ở Afghanistan bắt nguồn từ nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng chứ không phải Taliban - và quan trọng hơn, Taliban có thể là một đối tác hữu ích trong cuộc chiến chống IS.

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 26/8 cho biết một cơ chế liên lạc giữa Nga và Mỹ về Afghanistan đã được thiết lập. Thông báo được đưa ra sau cuộc điện đàm hồi đầu tuần giữa Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev và Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan về tình hình ở Afghanistan.

Đẩy nhanh tiếp cận

Trước vụ tấn công đẫm máu bên ngoài sân bay Kabul, cuộc hành quân chiến thắng chóng vánh của Taliban vào thủ đô Kabul đã khiến chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden choáng váng. Nhiệm vụ trước mắt là tiến hành sơ tán công dân Mỹ và hàng nghìn người Afghanistan ra khỏi sân bay Kabul. Hoạt động an ninh khó khăn này đòi hỏi phải có mối quan hệ hợp tác với Taliban, mặc dù cùng lúc chính quyền Biden đã bắt đầu “vặn vít” trừng phạt lực lượng chiến thắng bằng cách cắt đứt quyền tiếp cận tài chính của họ.

Về phần mình, Taliban cơ bản vẫn hợp tác. Với mức độ chấp nhận đang tăng lên, Tổng thống Biden đã cử Giám đốc CIA William Burns đến Kabul vào 30/8 để gặp thủ lĩnh chính trị của Taliban, Mullah Abdul Ghani Baradar. Nhiệm vụ của ông Burns ít nhất cũng phải là đánh động Baradar về những báo cáo tình báo liên quan đến mối đe dọa khủng bố sắp xảy ra đối với Kabul.

Chú thích ảnh
Nhà đồng sáng lập Taliban, Mullah Abdul Ghani Baradar phát biểu tại lễ ký kết thỏa thuận Mỹ-Taliban ở thủ đô Doha, Qatar, ngày 29/2/2020. Ảnh: AFP

Chính ông Biden đã nhiều lần nói trong những ngày gần đây rằng Taliban là kẻ thù truyền kiếp của IS và ngược lại. Nhà lãnh đạo Mỹ có lẽ đã báo hiệu cho Taliban về sự hội tụ các lợi ích nếu Washington và chính quyền mới ở Kabul hợp tác cùng nhau.

Trong bài phát biểu trước báo giới tại Washington vào ngày 25/8, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thừa nhận rằng khi đối phó với chính quyền Taliban, lợi ích của nước Mỹ được đặt lên hàng đầu. Ông Blinken lưu ý, một chính phủ Afghanistan giữ cam kết từ bỏ chủ nghĩa khủng bố, bảo vệ nhân quyền và cho phép người dân sơ tán là "một chính phủ mà chúng tôi có thể làm việc cùng”.

Do đó, người ta có thể kỳ vọng rằng vụ tấn công khủng bố vừa qua ở Kabul sẽ khiến Washington phải suy nghĩ lại về cách tiếp cận với Taliban. 

Hướng đi nào hiện vẫn còn đang được xem xét. Nhưng dù gì đi nữa, việc can dự sâu hơn với Taliban đã trở thành cần thiết với Washington bởi lý do đơn giản rằng, họ đang là một thực tế ở Kabul, đang kiểm soát gần như toàn bộ Afghanistan và sẽ là lực lượng quan trọng chống lại IS cũng như các nhóm khủng bố lẻ tẻ khác.

Thông điệp của Tổng thống Biden từ Nhà Trắng là rất rõ ràng: “Chúng ta sẽ không tha thứ. Chúng ta sẽ không quên. Chúng ta sẽ truy lùng các người và bắt các người phải trả giá”.

Điều đó có nghĩa là việc tẩy chay chính quyền Taliban ở Kabul sẽ không còn là một lựa chọn khả thi.  Ông Biden cũng đã ra lệnh không kích vào các khu vực hoạt động của IS ở Afghanistan ngay ngày 28/8. Và “kẻ thù của kẻ thù là bạn”. Tiếp cận gần hơn với Taliban, một kẻ thù của IS, sẽ có lợi cho các chiến dịch chống khủng bố của Mỹ.

Chú thích ảnh
Một lính thủy đánh bộ Mỹ bảo đảm an ninh cho những người sơ tán đủ điều kiện lên máy bay C-17 của Không quân Mỹ tại Sân bay Quốc tế Hamid Karzai, Kabul, ngày 24/8/2021. Ảnh: AFP

Vấn đề sẽ là các điều khoản để xích lại. Để chắc chắn, Mỹ sẽ cần sự hiện diện tình báo mạnh mẽ ở Kabul. Vì vậy, việc mở lại Đại sứ quán tại Kabul sẽ khó bị trì hoãn lâu.

Lợi ích với Taliban

Trong khi đó, Taliban vốn thực dụng. Họ sẽ tích cực trước việc Mỹ tuyên bố can dự, vì điều đó giúp mở ra con đường để quốc tế công nhận chính phủ của họ, nâng cao tính hợp pháp quốc tế, và quan trọng nhất là tiếp cận các quỹ bị phong tỏa và nối lại hỗ trợ của các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng như các cơ quan của Liên hợp quốc.

Mức độ quan hệ được nâng cao với Mỹ sẽ giúp Taliban củng cố chính phủ và tập trung vào quản trị. Khi đó sẽ không có chỗ cho bất kỳ phong trào kháng chiến chống Taliban nào ở Afghanistan. Nhóm “kháng chiến” ở thung lũng Panjshir sẽ đủ thông minh để cảm nhận điều này.

Một nghịch lý là các sự kiện kinh hoàng ở Kabul hôm 26/8 có thể trở thành một cơn gió chính trị mới đối với Taliban. Afghanistan sẽ vẫn là một quốc gia tiền đồn đối với Washington trong tương lai gần về các mối đe dọa tiềm tàng từ các nhóm khủng bố.

Chống khủng bố sẽ là động lực thúc đẩy mối quan hệ mới giữa Mỹ và Taliban. Tất nhiên, chất lượng của mối quan hệ đó sẽ ngày càng phụ thuộc vào mức độ tiếp thu của chính quyền Taliban đối với những kỳ vọng và yêu cầu của Mỹ trên mặt trận an ninh.

Các vấn đề về nhân quyền chắc chắn sẽ bị xếp xuống hàng sau. Đã có sự chấp nhận miễn cưỡng ở phương Tây rằng khó có thể mong đợi một cuộc chuyển đổi dân chủ ở Afghanistan, và rằng các giá trị mang tính bắt buộc của phương Tây lại có rất ít người theo đuổi ở quốc gia này.

Khó khăn của chính quyền Biden

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu về vụ tấn công khủng bố tại Sân bay Quốc tế Hamid Karzai, tại Nhà Trắng, ngày 26/8/2021. Ảnh : AFP 

Với Tổng thống Biden, bước lùi ở Afghanistan đã làm giảm đáng kể tỷ lệ ủng hộ của cử tri dành cho ông. Hiện tại, các cuộc thăm dò cho thấy đa số người Mỹ muốn Biden đứng ngoài cuộc tranh cử vào Nhà Trắng năm 2024.

Trong khi đó, bất kỳ sự đảo ngược nghiêm trọng nào trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào năm tới sẽ đồng nghĩa với việc đảng Dân chủ mất quyền kiểm soát  Quốc hội, điều này có thể làm tê liệt nhiệm kỳ tổng thống của ông Biden.

Không chỉ ở Afghanistan, mà ông Biden còn phải vật lộn với cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng ở trong nước Mỹ. Chắc chắn, những sự kiện gần đây ở Afghanistan sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến những trọng tâm và khả năng của chính quyền ông trong giải quyết những vấn đề khác như Trung Quốc, Nga, Iran.

Uy tín của Mỹ trong lãnh đạo các đồng minh xuyên Đại Tây Dương cũng đang bị nghi ngờ. Cuộc họp của Nhóm G7 hôm 24/8 đã phơi bày một số điều đó, và chỉ hai ngày sau, các giới hạn đối với quyền lực của Mỹ đã được hiển thị đầy đủ ở Kabul.

Thu Hằng/Báo Tin tức
Taliban cho người dân Kabul đúng một tuần để giao nộp hết vũ khí
Taliban cho người dân Kabul đúng một tuần để giao nộp hết vũ khí

Lực lượng Talian đã yêu cầu những người sống ở thủ đô Kabul của Afghanistan giao nộp vũ khí, đạn dược và tài sản nhà nước họ đang sở hữu cho giới chức liên quan.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN