Tiến trình rút binh sĩ Mỹ và đồng minh khỏi Afghanistan có thêm vệt màu u ám vào hôm 26/8, khi một sự cố tầm thảm họa mà Tổng thống Joe Biden từng cảnh báo đã trở thành hiện thực. Các vụ tấn công liều chết do mạng lưới chân rết của tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tại Afghanistan thực hiện ở lối vào sân bay Kabul đã làm 13 binh sĩ Mỹ thiệt mạng và 15 binh sĩ khác bị thương, biến đây thành ngày chết chóc nhất với quân đội Mỹ ở Afghanistan trong vòng 10 năm lại đây.
Đó cũng chính là thời khắc thảm họa nhất trong quãng thời gian nắm quyền mới được 8 tháng của Tổng thống Joe Biden. Với những quan chức Nhà Trắng, 26/8 là ngày chứa đựng nhiều cảm xúc và cũng là hỗn loạn nhất kể từ khi làm việc trong chính quyền mới. Chỉ ít phút sau báo cáo đầu tiên về vụ nổ được loan báo, giới chức Nhà Trắng đối mặt trạng lụt thông tin. Diễn biến sau đó được mô tả là dồn dập.
Cá nhân Tổng thống Biden ngồi thảo luận nhiều giờ với đội ngũ cố vấn an ninh quốc gia tại phòng Tình huống và phòng Bầu dục. Đến 14 giờ cùng ngày (giờ địa phương), ông có mặt ở phòng Bầu dục để nghe báo cáo tóm tắt, khi bắt đầu xuất hiện những dòng tin “Ông Biden đang ở đâu?” lan truyền trên mạng xã hội Twitter. Cùng với Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, Ngoại trưởng Antony Blinken, Tham mưu trưởng Liên quân Mark Milley, ông Biden liên tục được cập nhật diễn biến mới trong ngày.
Nhà Trắng cũng liên tục liên lạc với giới chỉ huy quân đội Mỹ đang đóng tại Afghanistan hỗ trợ chiến dịch sơ tán công dân, để tìm hiểu mức độ nghiêm trọng của vụ tấn công và ảnh hưởng của nó đối với thời hạn chót rút quân Mỹ khỏi Afghanistan vào ngày 31/8.
Buổi tối, ông Biden có bài phát biểu trước toàn thể dân chúng Mỹ, với dáng vẻ đau buồn, xúc động trước ống kính truyền hình. Ông chuyển đi hai thông điệp về hoàn tất sứ mệnh sơ tán mọi công dân Mỹ từ Kabul và buộc những kẻ chủ mưu thực hiện vụ tấn công phải đền tội.
Diễn biến bất ngờ tại Kabul làm đảo lộn lịch trình tại Nhà Trắng. Cuộc gặp dự kiến giữa Tổng thống Biden với Thủ tướng Israel Naftali Bennett được thông báo lùi sang ngày hôm sau (27/8). Phát ngôn viên Nhà Trắng cũng hủy buổi họp báo thường lệ, đề nghị giới phóng viên muốn tìm hiểu thông tin về vụ tấn công tại Kabul gặp đại diện bộ giới chức Bộ Quốc phòng. Tướng Kenneth F. McKenzie, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ (CENTCOM) trực tiếp trả lời báo chí đầu giờ chiều.
Lính Mỹ thiệt mạng tại Afghanistan chính là kịch bản mà ông Biden muốn né tránh khi ra quyết định rút quân và chấm dứt cuộc chiến kéo dài hai thập kỉ. Vài ngày trước khi xảy ra loạt tấn công liều chết tại Kabul, chính quyền Mỹ cảnh báo về mối nguy cơ tấn công khủng bố lộ diện ở Afghanistan.
Các nghị sĩ Mỹ hồi đầu tuần cũng nhận được thông báo vắn tắt về khả năng quân khủng bố IS tại Afghanistan mở cuộc tấn công ở Kabul. Đại sứ quán Mỹ tại Afghanistan hôm 24/8 phát cảnh báo, yêu cầu công dân Mỹ tránh di chuyển tới sân bay hoặc nán lại khu vực gần sân bay.
Tổng thống Biden thường xuyên bày tỏ sự tình cảm chân thành của cá nhân ông với gia đình có con em là binh sĩ thiệt mạng. Vẻ đau buồn của ông khi phát biểu trước toàn dân Mỹ là cảm xúc chân thật, gắn với tình cảm cá nhân về người con trai lớn Beau Biden. Bean đã qua đời hồi năm 2015 vì căn bệnh u não, nhưng trước đó Bean từng có quãng thời gian 2 năm tham gia chiến đấu trên chiến trường Iraq. “Tôi có cùng cảm xúc với các bạn, đó là cảm xúc của những gia đình có những người con anh hùng”, ông Biden nói.
Tổng thống Mỹ trước đó cũng không che giấu quan điểm quyết định rút quân được ông đưa ra một phần là vì ông đặt bản thân vào địa vị người cha có con phục vụ trong quân đội Mỹ. Phát biểu khi viếng thăm nghĩa trang Arlington hôm 14/4 vừa qua, ông Biden chia sẻ: “Tôi là Tổng thống đầu tiên trong vòng 40 năm qua biết đến cảm giác của một người cha có con phục vụ ở vùng chiến sự. Tôi không thể quên cảm xúc khi tôi biết con trai mình được triển khai tới Iraq”.