Theo tờ Al Jazeera, các nhà phân tích tại Mỹ cho rằng, vụ ám sát khoa học gia hạt nhân Iran Mohsen Fakhrizadeh vào ngày 27/11 sẽ khiến cho khả năng tái khởi động tiến trình ngoại giao giữa Washington và Tehran theo cam kết của ông Joe Biden trở nên khó khăn hơn.
Ông Biden, người dự kiến sẽ nhậm chức Tổng thống Mỹ vào ngày 20/1/2021, cho biết ông muốn đưa Mỹ trở lại Thoả thuận 6 bên về chương trình hạt nhân của Iran năm 2015 – một động thái báo hiệu ông sẽ huỷ bỏ chiến dịch “áp lực tối đa” của Tổng thống Donald Trump đối với Iran.
Mặc dù vẫn chưa rõ ai sẽ chịu trách nhiệm cho cái chết của nhà khoa học hạt nhân Fakhrizadeh ở ngoại ô Tehran, giới chức Iran đã chĩa nghi ngờ vào Israel, đồng minh thân cận nhất của Mỹ trong khu vực, và là bên ủng hộ chính sách cứng rắn của ông Trump với chính phủ Iran. Ngày 28/11, Đại giáo chủ Iran Ali Khamenei tuyên bố nước này sẽ trả thù cho cái chết của ông Mohsen Fakhrizadeh, đồng thời khẳng định công trình nghiên cứu của ông Fakhrizadeh sẽ tiếp tục được thực hiện.
“Bạn có thể tưởng tượng Mỹ sẽ cởi mở như thế nào đối với các cuộc đàm phán. Nhưng trước khi họ có thể bắt đầu, người Iran sẽ làm điều gì đó trả đũa Israel hoặc chống lại chính Mỹ”, ông Trita Parsi, Phó Chủ tịch Viện Quincy, một tổ chức tư vấn ở Washington, DC, nhận định.
Ông Parsi cho biết vụ ám sát Fakhrizadeh, một nhà vật lý hạt nhân cấp cao và là người đứng đầu Tổ chức Nghiên cứu và Đổi mới thuộc Bộ Quốc phòng Iran, đã tạo ra một tình huống "kiểu gì cũng thắng" cho Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Theo chuyên gia này, nếu chính phủ Iran đáp trả, ông Netanyahu có thể kéo Washington vào một cuộc đối đầu quân sự với Tehran, trong khi nếu Iran tỏ ra kiềm chế, thì vụ ám sát cũng đã tạo ra bầu không khí căng thẳng khiến hoạt động ngoại giao của Mỹ với Iran trở nên khó khăn hơn.
Về phần mình Israel, quốc gia trong nhiều năm đã bị cáo buộc tiến hành một loạt các vụ ám sát có chủ đích các nhà khoa học hạt nhân Iran, đã từ chối bình luận ngay lập tức về cái chết của ông Fakhrizadeh.
Gia hạn thỏa thuận hạt nhân
Năm 2018, chính quyền Tổng thống Trump đã đơn phương rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran lịch sử trong nỗ lực cô lập Tehran, đồng thời tăng cường các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với các ngành công nghiệp cũng như các quan chức chủ chốt của Iran.
Giới phân tích và quan sát chính trị đã bày tỏ ra lo ngại ông Trump sẽ có thêm hành động cứng rắn trong những tuần cuối cùng tại nhiệm nhằm gây bất ổn hơn nữa cho Iran và các đồng minh ở Trung Đông – qua đó đặt chính quyền kế nhiệm của ông Biden vào tình thế khó khăn sau khi nhậm chức.
Ứng cử viên cho ghế Ngoại trưởng Tony Blinken nói với các nhà lãnh đạo an ninh thế giới tại một hội nghị hồi tháng 8 rằng ông hy vọng nước Mỹ có thể xây dựng một thỏa thuận hạt nhân mới với Iran “mạnh hơn và lâu dài hơn”.
Ông Parsi cho biết ông Biden, từng đóng vai trò Phó tổng thống Biden khi Tổng thống Barack Obama ký hiệp định hạt nhân với Iran và 5 cường quốc khác trên thế giới vào năm 2015, “sẽ cần bắt đầu ngoại giao nhanh hơn, dỡ bỏ các lệnh trừng phạt và quay trở lại thỏa thuận hạt nhân” để hàn gắn với mối quan hệ Mỹ - Iran.
Ông bình luận rằng giới chức Mỹ và Iran đang hy vọng thảo luận về các vấn đề khác, chẳng hạn như tên lửa đạn đạo và chính trị khu vực, nhưng vụ ám sát hôm 27/11 đã khiến viễn cảnh về điều đó trở nên khó khăn hơn. “Khả năng người Iran có thể cởi mở để thỏa hiệp và giao kết rõ ràng đã bị tổn hại nghiêm trọng”, ông Parsi nhận xét.
Khoảnh khắc "dễ cháy"
Cả ông Trump và ông Biden đều không bình luận trực tiếp về vụ ám sát nhà khoa học Fakhrizadeh. Tuy nhiên, nhiều quan chức hàng đầu hiện nay và cựu quan chức Mỹ đã công khai nêu lên mối quan ngại, trong đó có cả cựu Giám đốc CIA John Brennan, người đã gọi vụ tấn công là “một hành động tội phạm và rất liều lĩnh”.
"Sẽ là khôn ngoan nếu các nhà lãnh đạo Iran chờ đợi sự trở lại của giới lãnh đạo Mỹ có trách nhiệm trên trường quốc tế và chống lại sự thôi thúc phản ứng đáp trả các thủ phạm tình nghi”, ông Brennan “nhắn nhủ” Tehran trên Twitter, cho rằng họ nên chờ đợi chính sách mới của chính quyền hậu Trump.
Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Chris Murphy cho biết ông chưa được thông báo tóm tắt về vụ ám sát Fakhrizadeh, nhưng “mỗi khi Mỹ hoặc đồng minh ám sát một nhà lãnh đạo nước ngoài mà không tuyên chiến, chúng ta đã bình thường hóa chiến thuật này như một công cụ của pháp chế”.
Aaron David Miller, một thành viên cấp cao tại Quỹ Carnegie vì hoà bình quốc tế, cho biết vụ ám sát xảy ra vào thời điểm "dễ bắt lửa". Vào giữa tháng 11 vừa qua, Tổng thống Trump đã yêu cầu các cố vấn cấp cao nêu ra những lựa chọn tấn công cơ sở nghiên cứu hạt nhân của Iran tại Natanz trước khi ông rời nhiệm sở, theo báo cáo của truyền thông Mỹ. Một phát ngôn viên của chính phủ Iran liền cảnh báo về một "phản ứng mạnh mẽ" nếu Iran bị tấn công.
Hôm 21/11, Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ cho hay Không quân Mỹ đã điều một máy bay ném bom tầm xa B-52 từ căn cứ của họ ở Bắc Dakota tới Trung Đông để “ngăn chặn hành động xâm lược và trấn an các đối tác và đồng minh của Mỹ”.
Ông Miller nói với tờ Al Jazeera: “Từ bây giờ đến khi chính quyền mới nhậm chức- do người Iran lo ngại việc ông Trump kích động cuộc tấn công đơn phương nhằm vào Natanz - họ thực sự bị hạn chế về khả năng trả đũa”. “Người Israel có thể tính toán rằng bây giờ là thời điểm tốt để làm những việc như thế này. Bạn có thể thấy một loạt các yếu tố kết hợp với nhau có thể làm cho vài tháng tới khá dễ bắt lửa”, ông Miller bình luận thêm.
Nhiều khiêu khích?
Mặc dù vụ ám sát Fakhrizadeh gây bất ngờ đối với một số người, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông tại Trường Nghiên cứu Quốc tế thuộc Đại học Denver, Nader Hashemi cho biết trong bối cảnh quan hệ Iran-Mỹ gần đây thì nó “phù hợp với một mô hình đã có từ trước”. “Mô hình này là nỗ lực của chính quyền Tổng thống Trump nhằm khiến Iran quy phục thông qua các biện pháp trừng phạt tối đa”, ông Hashemi nhận xét và so sánh vụ sát hại Fakhrizadeh giống như vụ Mỹ ám sát chỉ huy quân sự hàng đầu của Iran Qassem Soleimani, người đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái do ông Trump ra lệnh vào ngày 3/1/2020 gần sân bay quốc tế Baghdad.
Ông Hashemi nói: “Chúng ta gần như đã có một cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Iran vào thời điểm đó”, và dự đoán việc ông Trump chỉ còn vài tuần nữa là kết thúc nhiệm kỳ tổng thống, nhiều khả năng sẽ có thêm nhiều hành động "với hy vọng kích động Iran trả đũa ”.
Điều đó sẽ khiến các cuộc đàm phán Mỹ-Iran trong tương lai trở nên khó khăn hơn nhiều “và đó chính xác mới là vấn đề” - chuyên gia Hashemi cảnh báo.